Đời sống

Nhớ mùa xuân đổi mới

TẠ VIỆT ANH 30/01/2025 05:30

Nếu Tết Canh Ngọ 1990 là cái Tết thực sự đổi mới thì Ất Tỵ 2025 sẽ là mùa xuân đầu tiên đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

00:00

vna_potal_dai_hoi_lan_thu_vi_cua_dang_khoi_xuong_va_lanh_dao_su_nghiep_doi_moi_dat_nuoc_stand-3-.jpg
Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986 tại Hà Nội với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI diễn ra vào tháng 12/1986 là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ đổi mới. Báo cáo Chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày đã thể hiện khá toàn diện những quan điểm cơ bản của đổi mới, trong đó có đổi mới tư duy kinh tế.

Dù chủ trương đổi mới đã được khẳng định nhưng còn hàng loạt vấn đề phải giải quyết. Tư duy kinh tế sau đại hội vẫn còn giằng co giữa cái cũ và cái mới, giữa xu hướng muốn tháo gỡ cải cách và nghi ngờ muốn siết lại.

2069_phong-tuc3-768x506.jpg
Tết đầm ấm của những năm sau đổi mới (ảnh tư liệu)

Nhắc lại như vậy để muốn nói một điều, dù sự nghiệp đổi mới đã khởi động từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng nhưng tới Tết Đinh Mão 1987, chuyện ăn Tết của người dân so với những Tết thời bao cấp trước gần như chưa có gì mới. Có chăng chỉ là niềm hy vọng về một mùa xuân đổi mới đang về. Nét cũ thể hiện ngay trong Chỉ thị số 303-CT về việc tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Mão của Hội đồng Bộ trưởng do Chủ tịch Võ Chí Công ký ban hành. Chỉ thị yêu cầu các ngành, các cấp chuẩn bị tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Mão lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, vẫn siết chặt quản lý thị trường, cấm tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao. Đặc biệt là cấm các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất không có chức năng kinh doanh thương nghiệp buôn bán trên thị trường.

thoi-bao-cap.jpg
Sau đổi mới, cảnh dùng tem phiếu mua hàng mậu dịch không còn (ảnh minh họa)

Chủ trương đổi mới do Đảng khởi xướng được người dân cả nước hồ hởi đón nhận và hy vọng cuộc sống sẽ no ấm, tốt đẹp hơn. Thế nhưng để chủ trương đó đi vào cuộc sống cần có thời gian cùng những quyết định dũng cảm, chấp nhận vượt qua những thách thức nhiều khi rất nghiệt ngã. Điển hình là khi áp dụng những quy luật thị trường đã gây ra lạm phát khủng khiếp. Trong 2 năm 1987 và 1988, lương tăng không theo kịp tốc độ lạm phát.

Có lẽ một trong những nét đáng nhớ của năm đầu đổi mới là lần đầu tiên vào cuối năm 1987, người Hà Nội được nghe lại “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Bến xuân”… qua Đêm nhạc Văn Cao lần đầu tiên được tổ chức ở rạp Kim Môn, Hàng Buồm, Hà Nội. Những ca khúc trữ tình, bất hủ ấy cũng là món ăn tinh thần của người dân nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc dịp đón xuân Mậu Thìn 1988.

Rồi một số chính sách đổi mới qua độ trễ đã đi vào cuộc sống. Nhà nước công nhận nền kinh tế đa thành phần, có doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp tập thể, doanh nghiệp tư nhân và cả doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Đời sống kinh tế - xã hội dần được cải thiện. Dù chậm, từng bước một nhưng những nét xuân đổi mới cũng dần đến, để Tết Canh Ngọ 1990 có thể coi là Tết đổi mới đầu tiên.

Điều đó có thể thấy qua chỉ thị của TP Hồ chí Minh về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên Đán Canh Ngọ ban hành ngày 4/12/1989, đã nêu: “Tết Nguyên đán năm 1990 đến trong tình hình cả nước và tình hình thành phố ta đang có những chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp đạt thắng lợi quan trọng. Công nghiệp đang từng bước vượt qua những khó khăn, phấn đấu bảo đảm đủ hàng tiêu dùng cho xã hội, đưa sản xuất, kinh doanh vào thế ổn định. Bước đầu ta chống lạm phát có kết quả, ngăn chặn được tình trạng giá cả leo thang và giữ được giá cả tương đối ổn định từ quý II năm 1989.” Đặc biệt, ngoài các cửa hàng của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, dịp Tết Canh Ngọ, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã khuyến khích các tổ chức kinh tế mở thêm gian hàng Tết bán và giới thiệu sản phẩm của đơn vị, doanh nghiệp mình.

mua-xuan-doi-moi.jpg
Vòng xuyến đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường Trường Chinh (TP Hải Dương) trong ngày xuân

Tinh thần cởi mở, đổi mới đã đi từ các văn bản, nghị quyết ra cuộc sống, tạo ra những thay đổi rõ nét trong đời sống của người dân. Nhìn lại những hình ảnh về Tết Canh Ngọ 1990 ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc như: Hải Phòng, Hải Dương có thể thấy một diện mạo ngày xuân khác hẳn thời bao cấp với quang cảnh phố phường tấp nập, quán xá nhộn nhịp, những chuyến xe xuôi ngược, những cành đào phai thấp thoáng... Hàng hóa đã tràn ngập các cửa hàng, các phiên chợ Tết…

Có thể nói, Tết Canh Ngọ thật sự là cái Tết đổi mới, những khó khăn vất vả thời bao cấp dần qua. Dù chưa thật đủ đầy nhưng nét xuân đã hiển hiện khắp phố phường, thôn xóm.

Muốn tìm sự thay đổi trong đời sống người dân, có lẽ dễ nhất là nhìn vào những sạp hàng Tết. Đã không còn cảnh xếp hàng để cố mua cho được túi hàng Tết, những bó lá dong… theo tiêu chuẩn bìa gia đình như những năm bao cấp. Năm ấy, hình ảnh dễ thấy nhất của người Hà Nội và một số đô thị miền Bắc là một gia đình trẻ, chở nhau trên một chiếc Honda Cub hay Mokick… du xuân. Mốt thời trang lên ngôi năm đó là các loại áo lông Đức, thay cho những chiếc áo bông Tầu, đại cán lam lũ một thời. Đặc biệt là những nụ cười hy vọng đã thấp thoáng trong những bức ảnh kỷ niệm ngày xuân…

hang-tet.jpg
Người dân Hải Dương mua sắm hàng Tết

Thấm thoắt đã gần 40 năm, đất nước đã đổi mới về mọi mặt. Giờ đây, người dân cả nước từ thành thị tới nông thôn không còn lo chuyện ăn Tết như thời bao cấp. Nhu cầu về chơi Tết đã đặt lên hàng đầu. Không ít gia đình dành thời gian nghỉ Tết cho những chuyến du xuân trong và ngoài nước.

Nếu Tết Canh Ngọ là cái Tết thực sự đổi mới thì Xuân Ất Tỵ 2025 này sẽ là mùa xuân đầu tiên đất nước hướng tới kỷ nguyên phát triển mới.

Sau khi trải qua 2 kỷ nguyên độc lập dân tộc (1945-1975) và đổi mới (1986-2024), nay đất nước đã tích đủ điều kiện và thời cơ để bước sang kỷ nguyên thứ 3 là kỷ nguyên vươn mình. Đây là giai đoạn tăng tốc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Ôn cố tri tân, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng những bước đi mở đầu của kỷ nguyên vươn mình dù còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng chắc chắn sẽ thành công, đưa đất nước tới mùa xuân tươi sáng.

TẠ VIỆT ANH
(0) Bình luận
Tin mới nhất
Nhớ mùa xuân đổi mới