Cũng nhờ báo Hải Dương, là nơi hội tụ những cây viết, nơi tổ chức, thực hiện… nên anh em viết báo và tôi mới có dịp tham gia, để có những kết quả rất vui.
Tác giả Khúc Hà Linh đoạt giải ba Cuộc thi viết "Làm theo gương Bác, chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh" năm 2017-2018. Ảnh: TC
Tôi thường nghĩ người viết báo trước khi cầm bút phải xác định cho mình một thể loại phù hợp với sở trường. Tôi thích viết bút ký chân dung, được tiếp xúc với nhân vật, mà có người bảo đấy là “người tốt, việc tốt”.
Mấy năm qua, Báo Hải Dương thường có những cuộc thi viết về các phong trào thi đua. Ví như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng nông thôn mới, gần đây là viết về phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh... Lần nào tôi cũng tham gia. Và thật may, lần nào cũng được giải thưởng. Có người bảo tôi "có duyên với giải thưởng" là thế.
Nhớ mãi lần ấy, tìm được một tấm gương khá thú vị. Anh là Giám đốc một công ty tư nhân, chưa phải là đảng viên, nhưng lại hăng hái và quan tâm tới tổ chức Đảng. Anh xin các cấp ở địa phương cho thành lập chi bộ tại công ty mình nhằm giúp một số nhân viên sinh hoạt Đảng thuận tiện và làm nòng cốt trong sản xuất, kinh doanh. Rồi anh cùng phấn đấu với anh chị em công nhân trẻ để gia nhập Đảng, cùng tham gia công tác với chi bộ, đưa công ty phát triển đi lên…
Câu chuyện tôi viết giản dị, không lên gân lên cốt, nhưng có sức lan tỏa. Giới báo chí cho rằng đấy là một phát hiện mới trong giai đoạn hiện nay, có ý nghĩa xã hội. Bài báo “Chuyện người ngoài Đảng xin thành lập chi bộ” đăng báo Hải Dương, được trao giải nhất Cuộc thi viết "Điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (năm 2012-2013) và giải khuyến khích Giải Báo chí quốc gia.
Cũng nhờ sự quan tâm của Báo Hải Dương, một lần khác tôi được giới thiệu về một vùng quê thuần nông ở Tứ Kỳ, được tiếp cận và trò chuyện với người nông dân có cuộc đời đầy thăng trầm. Đời anh từng đầm đìa nước mắt cay đắng, tủi buồn và cả niềm vui, ánh hào quang. Anh Phạm Văn Hát con nhà nông dân nghèo, chỉ học hết lớp 7, rồi nghỉ học, đi làm đủ mọi nghề kiếm sống, từ lái xe bò đuôi, lái công nông, rồi quay sang trồng rau sạch. Anh đã vỡ nợ khi mùa thu hoạch đến. Những hợp đồng mua sản phẩm đã bị đơn phương phá vỡ.
Chán đời, đi lao động nước ngoài nhưng cũng chỉ là làm thuê. Anh lại trở về cánh đồng của mình, quyết tâm mày mò sửa máy nông cụ, cải tiến máy trồng trọt và thành nhà sáng chế nông cụ, cung cấp cho nông dân các tỉnh, thành phố, bán cả sang nước ngoài.
Bài báo “Từ lái xe bò đuôi thành nhà sáng chế” giành giải nhì trong Cuộc thi viết "Làm theo gương Bác, chung sức xây dựng nông thôn mới" (2015-2016). Chính anh Hát là típ người mới trên đồng ruộng quê hương Hải Dương.
Gần đây nhất, tôi lại viết về một con người khác, một sĩ quan công an hưu trí. Ông là Nguyễn Đăng Vượng, quê Hưng Yên, nhưng về hưu lại chọn TP Hải Dương là nơi sinh sống cuối đời. Ông được bầu làm trưởng khu 10 năm liền, đã lăn lộn với phong trào, giữ gìn khu phố bình yên, văn minh, đẹp đẽ. Bọn tội phạm, trộm cắp nghe tên ông kinh sợ. Dân làng, khu phố thì gần gũi sẻ chia. Ông hòa giải rất khéo, đến nỗi chuyện ngỡ tan đàn xẻ nghé vẫn cơm ngon canh ngọt. Khi ngoài 60 tuổi, ông xin nghỉ, dân phố và chi bộ vẫn tiếc.
Tôi đã khai thác được phần thời gian còn ở công an, ông có nhiều kinh nghiệm giữ gìn an ninh công cộng, phòng chống tệ nạn xã hội, bây giờ về khu dân cư, ông trưởng khu hành sự rất có lý có tình, khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Thế là ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và khu phố được bình yên.
Câu chuyện được tòa soạn biên tập khéo léo, lại được mang cái tít hóm hỉnh ""Người phán xử" của khu dân cư”… bạn đọc cũng thấy hay hay. Bài báo đã được trao giải ba Cuộc thi viết "Làm theo gương Bác, chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh" (2017-2018).
Thế là tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào thi viết về những “người tốt, việc tốt” trên mảnh đất quê hương, tôi đã thành công. Không chỉ thế, những năm trước, cũng nhờ viết thể loại này mà tôi còn được giải thưởng của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với bài “Người trốn việc nhà, thiết tha việc làng”.
Nghĩ lại, cũng nhờ báo Hải Dương, là nơi hội tụ những cây viết, nơi tổ chức, thực hiện… nên anh em viết báo và tôi mới có dịp tham gia, để có những kết quả rất vui.
KHÚC HÀ LINH