Về con số tổng vốn đầu tư 350.000 tỉ đồng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra để chấn hưng văn hóa, Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Trước đó Bộ VH-TT&DL có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Hội đồng thẩm định nhà nước cho ý kiến, đưa ra con số tổng mức đầu tư cho chương trình là 350.000 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ VH-TT&DL rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ VH-TT&DL làm rõ quy mô chương trình.
Về tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét chương trình chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư.
Tổng vốn đầu tư chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô chương trình, chưa thể hiện được tổng thể cơ cấu từng nguồn vốn, chưa thống nhất giữa các tài liệu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ VH-TT&DL làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư chương trình; rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.
Ngoài ra chương trình của Bộ VH-TT&DL cũng chưa thể hiện khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đầu tư tập trung, có hiệu quả theo quy định tại khoản 4, điều 29 Luật Đầu tư công.
Về con số tổng mức đầu tư cho chương trình chấn hưng văn hóa 350.000 tỉ đồng, ý kiến của Bộ Nội vụ đính kèm công văn Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ VH-TT&DL ngày 16-10 nhận định "là rất lớn".
Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ kinh phí trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn tài lực quốc gia còn hạn chế, phải triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để đảm bảo việc bố trí nguồn ngân sách phù hợp để thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.
Bộ Y tế góp ý lĩnh vực văn hóa khó đo lường kết quả đầu ra, đề nghị Bộ VH-TT&DL làm rõ nội hàm các tiêu chí đánh giá hiệu quả để đảm bảo chương trình được triển khai thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch và phù hợp với người dân Việt Nam.
Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tuy khẳng định việc đầu tư hạ tầng là việc cần thiết nhưng cho rằng chương trình của Bộ VH-TT&DL xây dựng thiếu cân đối vì tập trung quá nhiều kinh phí để xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa mà chưa đi đôi với việc làm thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa tương ứng.
Theo viện này, thực tế cho thấy các công trình văn hóa hiện đại như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thư viện ở vùng nông thôn được đầu tư rất lớn từ các chương trình phát triển như chương trình Nông thôn mới nhưng chưa được sử dụng đúng công năng và chưa thu hút được các hoạt động văn hóa của người dân địa phương.
Tương tự các bảo tàng, thư viện, nhà hát ở thành phố cũng chung cảnh đìu hiu.
Song song với các ý kiến đề nghị xem xét lại con số 350.000 tỉ đồng thì cũng nhiều bộ, ngành, địa phương có ý kiến "nhất trí" với Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa mà Bộ VH-TT&DL xây dựng.
Viện Nghiên cứu văn hóa cũng đề nghị nên đặt tên là Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035, bỏ từ "chấn hưng, phát triển".
Lý do là các từ này có khả năng dẫn đến sự "đồng phục" hóa văn hóa, trái ngược với quan điểm tôn trọng đa dạng văn hóa.
Và việc sử dụng các từ ngữ như vậy cũng là biểu hiện của quan điểm tiến hóa luận - một quan điểm vốn không còn được hưởng ứng vì bộc lộ nhiều hạn chế…
Theo Tuổi trẻ