Hải Dương cũng như các tỉnh khác đều lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chiều 21.7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đối với hồ sơ về nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo tại điểm cầu Hải Dương có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Toàn cảnh hội thảo
Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, xác định 9 nhóm dự án, cụ thể:
Nhóm dự án số 1: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; Nhóm dự án số 2: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống thiết chế văn hóa; Nhóm dự án số 3: Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; Nhóm dự án số 4: Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Nhóm dự án số 5: Thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật; Nhóm dự án số 6: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Nhóm dự án số 7: Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Nhóm dự án số 8: Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa; Nhóm dự án số 9: Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gồm di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, công nghiệp văn hóa, hội nhập quốc tế… đồng thời cũng đề ra các giải pháp thực hiện và cơ chế phân bổ nguồn vốn để thực hiện.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã đóng góp ý kiến, đề xuất bổ sung, điều chỉnh một số nội dung tránh trùng lặp, dàn trải, sắp xếp các nhóm dự án để chương trình có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Một số ý kiến đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, có chủ trương và chính sách hỗ trợ các địa phương còn nhiều khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách để xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao cấp huyện, xã; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa cơ sở; hỗ trợ trang thiết bị điểm vui chơi giải trí cho trẻ em các xã nông thôn khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương tham gia ý kiến tại hội thảo ở điểm cầu Hải Dương
Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho rằng, thời gian qua, Hải Dương cũng như các tỉnh khác đều lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc phát triển một số thiết chế văn hóa cũng như bảo tồn di sản có nhiều khó khăn. Triển khai hai nội dung này sẽ góp phần bảo tồn, chấn hưng văn hóa ở các địa phương.
Chương trình cần quan tâm tạo điều kiện ưu tiên về chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa, phát triển, quản lý hệ thống hạ tầng thiết chế không gian văn hóa đồng bộ, có hiệu quả, nhất là ở thôn, khu dân cư, xã, phường. Triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân.
Quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Ở Hải Dương có 3.199 di tích, trải qua thời gian, nhiều di tích xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ. Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, bộ, ngành, Hải Dương đã dành nhiều kinh phí, đặc biệt là nguồn xã hội hóa từ nhân dân đóng góp để xây dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích. Tuy nhiên, cần có nguồn vốn mồi để địa phương có điều kiện bảo tồn và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa.
Việc ưu tiên bảo tồn văn hóa phi vật thể là hết sức cần thiết. Hải Dương có 11 di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận. Hiện nay, địa phương tiếp tục quan tâm truyền dạy, giữ gìn các di sản này. Ngoài ra, số hóa thư viện và số hóa bảo tàng cũng cần được quan tâm, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa.
Theo Báo Nhân dân - HD