Đợt mưa lớn diễn ra vào cuối tuần qua là rất hiếm gặp trong vòng 100 năm qua, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Aichi, Shizuoka, Ibaraki và Wakayama.
Cảnh ngập lụt sau mưa lớn do ảnh hưởng của bão Mawar tại thành phố Toyokawa, tỉnh Aichi, Nhật Bản ngày 3.6.2023
Tổng lượng mưa đo được của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản trong cuối tuần qua tập trung ở phía Đông của tỉnh Aichi và phía Tây của tỉnh Shizuoka là khoảng 400-500 mm, gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Đây là hình thái thời tiết với tần suất xuất hiện 100 năm mới có 1 lần. Trong khi đó, khu vực tỉnh Ibaraki, tỉnh Saitama và thủ đô Tokyo cũng xảy ra mưa lớn kéo dài với tần suất xuất hiện khoảng 30 năm mới có 1 lần. Riêng lượng mưa đo được tại tỉnh Shizuoka đã cao gấp 1,5 lần lượng mưa trung bình trong tháng 6, vốn là tháng cao điểm về mưa lũ ở Nhật Bản.
Theo Giáo sư Motoyuki Ushiyama, Đại học Shizuoka, một chuyên gia trong lĩnh vực thảm họa thiên tai của Nhật Bản, ngày càng có xu hướng xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, khó có thể dự báo trước, đặc biệt là mưa lớn liên lục tập trung vào một khu vực nhất định gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Sắp tới, Nhật Bản sẽ bước vào mùa mưa nên người dân cần phải đề cao cảnh giác, theo dõi sát các thông tin dự báo từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.
Trước đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin ngày 5/6, lũ lụt do sau khi mưa lớn trút xuống khu vực rộng lớn ở phần bờ biển Thái Bình Dương của nước này đã khiến 3 người thiệt mạng và khoảng 900 ngôi nhà bị hư hại. Hiện chính quyền các địa phương đang gấp rút triển khai công việc khắc phục hậu quả của trận lũ lụt lịch sử này.
Theo TTXVN