Nhật Bản-Ấn Độ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương

02/12/2019 18:21

Với mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng (đối thoại 2+2) lần đầu tiên ở thủ đô New Delhi trong hai ngày 30.11 và 1.12.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Nhật Bản và Ấn Độ tại Đối thoại an ninh 2+2 ngày 30.11. Nguồn: PTI

Kết quả tốt đẹp đạt được tại cuộc đối thoại sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác đa phương diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời cũng sẽ thúc đẩy tầm nhìn của Ấn Độ và Nhật Bản.

Tăng cường hợp tác chiến lược

Cuộc đối thoại Nhật Bản-Ấn Độ 2+2 lần thứ nhất diễn ra giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono.

Tại cuộc gặp, hai bên đã đánh giá những tiến triển trong quan hệ và làm sâu sắc chiều hướng chiến lược của quan hệ song phương cũng như thảo luận sâu rộng về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, đặc biệt là tình hình an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hợp tác xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai nước kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố. Nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn hàng hải trong việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, hai bên khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác trong xây dựng năng lực về an ninh hàng hải và nhận thức hàng hải, kể cả thông qua hợp tác với các nước khác.

Nhật Bản và Ấn Độ cũng tái khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm và sự đoàn kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ cam kết hợp tác với ASEAN để đạt được các mục tiêu chung.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Nhật Bản và Ấn Độ đã tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao phù hợp với những nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có các quy định được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Bên cạnh đó, tuyên bố chung đã đề cập đến tầm quan trọng của việc giải trừ tất cả các vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo mọi tầm bắn của Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bên phản đối các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng giải quyết vấn đề bắt cóc công dân sớm nhất có thể.

Cũng trong cuộc đối thoại, hai bên đã thảo luận về mối đe dọa của các mạng lưới khủng bố hoạt động có căn cứ tại Pakistan đối với hòa bình khu vực, đồng thời đề nghị Islamabad phải có hành động "kiên quyết và không thể đảo ngược" nhằm vào các mạng lưới đó.

Nhật Bản và Ấn Độ kêu gọi tất cả các nước hành động kiên quyết trong việc quét sạch các nơi trú ẩn an toàn và cơ sở hạ tầng của khủng bố, triệt phá các mạng lưới khủng bố, loại bỏ các nguồn tài trợ và ngăn chặn hoạt động di chuyển qua biên giới của các phần tử khủng bố.

Các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận mua bán hàng hóa và dịch vụ chéo (ACSA), cho phép hai bên chia sẻ năng lực và các nguồn cung quốc phòng, đồng thời kêu gọi sớm hoàn tất ACSA.

Dự kiến, hai nước sẽ ký kết ACSA khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Ấn Độ và hội đàm với người đồng cấp Narendra Modi vào giữa tháng 12 tới.

Hai bên cũng nhất trí tiến hành diễn tập máy bay chiến đấu chung đầu tiên tại Nhật Bản vào năm tới nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh song phương. Đồng thời quyết định sẽ tổ chức đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 lần tới tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản song chưa ấn định thời điểm cụ thể.

Tại cuộc đối thoại 2+2, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đã tiếp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ông Modi khẳng định mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản là thành tố chủ chốt trong tầm nhìn của New Delhi về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đồng thời cũng là nền tảng của Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Tiền đề để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên

Cuộc đối thoại 2+2 giữa Nhật Bản và Ấn Độ được tổ chức theo quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Tokyo tháng 10 năm ngoái. Nhật Bản là quốc gia thứ hai sau Mỹ mà Ấn Độ áp dụng thể thức đối thoại 2+2, trong khi New Delhi là đối tác 2+2 thứ bảy của Tokyo.

Cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản-Ấn Độ lần đầu tiên đã tạo cơ hội để hai nước thực hiện mục tiêu tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thương mại cho tương xứng với quan hệ giữa hai cường quốc của châu Á.

Ấn Độ hiện là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất của Nhật Bản. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản chiếm 8% tổng lượng FDI của Ấn Độ, trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba ở nước này. 

Trong những năm gần đây, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã khuyến khích Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ, vốn vẫn còn lạc hậu do thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng.

Nhật Bản hiện là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ với một số dự án quan trọng như xây dựng đường cao tốc, điện, nước thải, quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, cả Ấn Độ và Nhật Bản đã thành lập một cơ quan điều phối để tăng cường việc thực hiện hiệu quả các dự án khác nhau.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Modi hồi tháng 10.2018, Thủ tướng Abe đã cam kết cung cấp một khoản vay trị giá 316,4 tỷ yên (khoảng 2,8 tỷ USD) với lãi suất ưu đãi giúp Ấn Độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, trong đó có dự án đường sắt cao tốc sử dụng công nghệ tàu siêu tốc Shinkansen của Nhật Bản. Tuyến tàu cao tốc này sẽ nối Ahmedabad ở miền Tây Ấn Độ với trung tâm tài chính Mumbai và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Khi đoàn tàu cao tốc Shinkansen bắt đầu vận hành tuyến Mumbai-Ahmedabad sẽ trở thành một biểu tượng tỏa sáng của tình hữu nghị Nhật Bản-Ấn Độ trong tương lai.

Cũng để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy một loạt dự án phát triển hạ tầng cơ sở tại những bang kém phát triển ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ giáp biên giới với Myanmar và Bangladesh.

Ngoài ra, tại cuộc gặp lần này, lãnh đạo hai nước tiếp tục thúc đẩy sáng kiến của Nhật Bản về hình thành tuyến hành lang tăng trưởng Á-Phi nhằm cải thiện kết nối kinh tế và cơ sở hạ tầng ở cả hai châu lục và đây có thể là dự án cung cấp giải pháp thay thế cho sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.

Không chỉ là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, Tokyo cũng là đối tác đáng tin cậy nhất của New Delhi trong công cuộc hiện đại hóa kinh tế và công nghệ.

Có thể thấy, thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu đặc biệt Nhật Bản-Ấn Độ đã có những bước tiến mạnh mẽ. Nếu hơn 10 năm trước, mối quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ chủ yếu chỉ giới hạn trong các cam kết kinh tế như nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và thương mại, thì hiện nay, mối quan hệ đó đã đa dạng hơn và đan xen nhiều lợi ích, bao gồm an ninh khu vực và toàn cầu, chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, an ninh hàng hải, hợp tác về năng lượng, biến đổi khí hậu và cải tổ Liên hợp quốc.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng sự phát triển quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản là hoàn toàn tự nhiên và tất yếu. Điển hình là sự kết hợp mạnh mẽ giữa “Chính sách Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi và chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do” của Thủ tướng Abe.

Sự hiểu biết lẫn nhau về lợi ích quốc gia và ngoại giao càng được cải thiện rõ rệt, trong khi sự hội tụ chiến lược cũng như điểm tương đồng về quan điểm có xu hướng gia tăng và tạo ra cơ hội chưa từng có cho một mối quan hệ đối tác gần gũi hơn. Hai nước chia sẻ nhiều mối quan tâm và lợi ích chung ở khu vực trong bối cảnh Nhật Bản và Ấn Độ đều kỳ vọng trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an trong khuôn khổ cuộc cải tổ tổ chức này.

Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được dự báo sẽ chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trong vòng một thập kỷ tới, cả Nhật Bản lẫn Ấn Độ rõ ràng đều mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác để đảm bảo rằng một sự thay đổi lớn như vậy, khi xảy ra, sẽ không làm mất cân bằng quyền lực trong khu vực.

Là hai nước lớn có vai trò quan trọng ở khu vực, Nhật Bản và Ấn Độ muốn đóng góp vào sự phát triển của một trật tự khu vực mới, mở cửa, đa cực, dựa trên luật pháp và không có sự thống trị của bất kỳ một quốc gia đơn phương nào.

Có thể thấy hợp tác giữa hai nước Nhật bản và Ấn Độ đã trở thành một thành tố quan trọng đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cùng với các cuộc gặp thượng đỉnh gần như thường niên, cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng lần đầu tiên càng khẳng định mối quan hệ thực chất, xứng đáng với vị thế những nước lớn trong khu vực, bảo đảm sự hài hòa, cân bằng về lợi ích giữa các bên. Đây sẽ là tiền đề để quan hệ giữa Tokyo và New Delhi tiếp tục tiến xa hơn nữa.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhật Bản-Ấn Độ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương