Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể trong hội viên nông dân

30/12/2017 05:33

Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể (KTTT).

Tham gia vào mô hình liên kết, các thành viên đã chủ động đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Vụ này, nông dân xã Quốc Tuấn thu lãi hơn 10 triệu đồng/sào cà chua

Liên kết trong sản xuất

Quốc Tuấn là xã thuần nông của huyện Nam Sách. Những năm qua, HND xã đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là việc thành lập mô hình tổ liên kết sản xuất rau màu với hơn 40 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 12 ha. Các thành viên được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng thông qua các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, được hỗ trợ giống, phân bón. Tổ liên kết còn giúp các hội viên có được đầu ra ổn định cho cây trồng. Ông Phạm Ngọc Bích (61 tuổi) ở thôn Đông Thôn cho biết: “Trước đây làm theo kiểu nhà nào biết nhà đấy thì hiệu quả không cao, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau 3 năm tham gia vào tổ liên kết, rau màu của chúng tôi sinh trưởng tốt hơn, thị trường tiêu thụ ổn định. Thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt từ 10 triệu đồng/sào/vụ trở lên”.

Sau 7 năm triển khai, huyện Thanh Hà đã xây dựng được 36 HTX, tổ hợp tác, tổ, nhóm liên kết, câu lạc bộ nghề nghiệp với sự tham gia của 9.246 hộ thành viên. Các mô hình chủ yếu trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp với số vốn đầu tư từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng; mỗi năm thu lãi từ 50 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng/mô hình. Ông Bùi Văn Khiêm, Chủ tịch HND huyện Thanh Hà cho biết: “Tham gia mô hình, hội viên được tiếp cận những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Nhờ đó, hội viên yên tâm hơn khi tham gia KTTT”.

Đẩy mạnh hỗ trợ

Đến nay, các cấp HND trong tỉnh xây dựng được 328 mô hình KTTT mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm. Tiêu biểu như mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc), HTX Chăn nuôi lợn thịt ở xã Nam Tân (Nam Sách), HTX Thủy sản ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện), Câu lạc bộ Nuôi thủy sản ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ), tổ liên kết thâm canh ổi an toàn ở các xã Liên Mạc, Tân Việt (Thanh Hà), tổ liên kết trồng na dai an toàn ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), tổ liên kết trồng cam Vinh chất lượng cao bảo đảm an toàn ở xã Thất Hùng (Kinh Môn)…

Với mục đích tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, hằng năm HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, hội tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ hội và hội viên nông dân về vai trò của KTTT, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với hoạt động của các mô hình liên kết và hoạt động hỗ trợ nông dân. Chỉ tính riêng năm 2017, các cấp HND trong tỉnh đã tín chấp với các ngân hàng cho 42.974 hộ nông dân vay với tổng số vốn hơn 1.641 tỷ đồng; hơn 63 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh. Hội đã tổ chức cung ứng 7.216 tấn phân bón trả chậm cho nông dân, cung ứng gần 300 tấn thức ăn thủy sản cho các thành viên câu lạc bộ nuôi thủy sản...

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Hoạt động của các mô hình KTTT đã mang lại nhiều lợi ích cho hội viên. Nông dân đã chủ động đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và có đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Thời gian tới, để các mô hình KTTT ngày càng phát huy được vai trò và hiệu quả hoạt động, HND các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ; tiếp tục xây dựng thêm nhiều mô hình KTTT mới và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

QUYẾT TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể trong hội viên nông dân