Lao động - Việc làm

Nhân lực ngành y tế Hải Dương: Thiếu nhiều, khó tuyển

BÌNH MINH 25/06/2024 05:30

Nhiều năm nay, Hải Dương vẫn đang loay hoay giải bài toán khó liên quan đến việc thiếu nhân lực ngành y tế.

00:00

img_9655.jpg
Hải Dương vẫn đang thiếu hàng nghìn nhân viên y tế. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện một ca phẫu thuật cột sống hồi tháng 5.2024

Thiếu nhân viên y tế ở cả 3 tuyến

Từ năm 2021-2023, Hải Dương đã tuyển dụng 533 viên chức ngành y tế. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31/12/2023, toàn tỉnh vẫn thiếu hàng nghìn nhân viên y tế, chưa bảo đảm định mức tối thiểu theo quy định.

Nhân viên y tế ở Hải Dương thiếu ở cả 3 tuyến. Tính đến thời điểm trên, các bệnh viện tuyến tỉnh thiếu 583 người, trong đó nhiều nhất là ở các Bệnh viện Đa khoa với 227 người, Tâm thần 103 người, Y học cổ truyền 65 người, Phổi 50 người... Tuyến huyện (tính cả trạm y tế tuyến xã) thiếu 739 người, nhiều nhất là huyện Tứ Kỳ với 110 người, TP Hải Dương 94 người...

Năm nay, việc tuyển dụng nhân lực ngành y cũng chưa có nhiều biến chuyển. Tính đến hết ngày 31/3, Hải Dương vẫn thiếu 3 công chức, 1.605 viên chức y tế. Việc tuyển dụng bác sĩ cho tuyến cơ sở, các chuyên ngành tâm thần, pháp y, truyền nhiễm, lao, giải phẫu... rất khó khăn. Một số bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện nhiều năm nay không tuyển được bác sĩ cho những vị trí này. Trong khi đó, 25% số trạm y tế tuyến xã trong tỉnh hiện chưa có bác sĩ.

Ngành y tế Hải Dương còn đang phải đối diện với tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc. Từ năm 2021-2023, toàn tỉnh có 224 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 81 bác sĩ. Đến hết quý I năm nay, toàn tỉnh cũng đã có 20 bác sĩ đã chuyển công tác, trong đó có 2 tiến sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa cấp II...

img_9581(1).jpg
Thu nhập chưa tương xứng là nguyên nhân cốt lõi khiến việc tuyển dụng nhân lực ngành y gặp khó khăn. Trong ảnh: Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Nam Sách thăm khám cho một bệnh nhân điều trị nội trú

Việc thiếu nhân lực đã tác động không nhỏ đến công tác nâng cao chất lượng chuyên môn tại các cơ sở y tế, nhất là phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu theo yêu cầu khiến tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên vẫn cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên song vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ chính sách tuyển dụng của ngành y tế còn hạn chế. Thu nhập của các nhân viên y tế hiện chưa tương xứng với thời gian đào tạo và những áp lực từ công việc, cuộc sống. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Nam Sách chia sẻ: "Gần 20 năm công tác nhưng tổng thu nhập của tôi hiện mới chỉ được khoảng 12 triệu, bao gồm cả tiền trực. Hai vợ chồng phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ nuôi 2 con ăn học, chưa có tiền xây nhà mà phải ở chung với bố mẹ".

Thu nhập chưa tương xứng, các nhân viên y tế khi đi học nâng cao trình độ cũng chưa được hỗ trợ hoặc mức hỗ trợ còn thấp. Điều kiện trang thiết bị y tế lạc hậu, thiếu thốn khiến các bác sĩ không có môi trường phát huy tay nghề...

Thay đổi chính sách đãi ngộ

Từ năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 35 "Quy định xét tuyển đi đào tạo theo địa chỉ, hỗ trợ đào tạo và thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã thuộc tỉnh". Mỗi bác sĩ về công tác tại tuyến xã sẽ được tỉnh hỗ trợ một lần tiền mặt 90 triệu đồng, tuyến huyện (trừ TP Hải Dương không áp dụng chính sách này) được hỗ trợ từ 70-80 triệu đồng.

Năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08 về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... trên địa bàn tỉnh. Tỉnh hỗ trợ bằng tiền mặt 1 lần bằng 120 lần mức lương cơ sở đối với giáo sư, 100 lần mức lương cơ sở với phó giáo sư, tiến sĩ y khoa, tiến sĩ dược học, bác sĩ nội trú, 80 lần mức lương cơ sở đối với bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa II...

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý về y tế cho rằng những chính sách trên đã lạc hậu so với thực tế và kém nhiều tỉnh, thành phố khác. Một cán bộ công tác trong ngành xin giấu tên phân tích: "Theo Quyết định 35 thì toàn tỉnh đã tuyển được 285 bác sĩ, dược sĩ nhưng đa phần là từ nhiều năm trước. Mấy năm nay, mức đãi ngộ theo quyết định này chỉ bằng và thậm chí không bằng 1 tháng lương của bác sĩ công tác ở bệnh viện tư có uy tín. Cần phải sớm thay đổi chính sách đãi ngộ mới mong giải quyết được thực trạng trên".

Nhiều trạm y tế ở Hải Dương hiện chưa có bác sĩ. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đo huyết áp cho một phụ nữ mang thai
Sớm thay đổi chính sách đãi ngộ sẽ khuyến khích được bác sĩ về công tác tại tuyến cơ sở. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế xã Toàn Thắng (Gia Lộc) đo huyết áp cho một phụ nữ mang thai

Nghị quyết số 08 đã cải thiện mức đãi ngộ, giúp tỉnh tuyển được 26 bác sĩ và dược sĩ chuyên khoa II (tính đến tháng 6). Tuy nhiên, mức đãi ngộ theo Nghị quyết này chưa hấp dẫn, thua xa nhiều nơi khác. Từ năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ 400 triệu đồng đối với bác sĩ về công tác tại tuyến xã, 300 triệu đồng đối với bác sĩ về làm việc tại tuyến huyện. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hoá trả tiền mặt 1 lần đối với bác sĩ về tuyến xã từ 300-450 triệu đồng/người (tuỳ vùng) và các đơn vị khác là 250 triệu đồng/người. Tỉnh này còn hỗ trợ bác sĩ, chuyên chuyên khoa I về công tác tại tỉnh 200 triệu đồng/người, còn Hải Dương chưa áp dụng đối với đối tượng này.

Việc thay đổi chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế hiện nay là rất cần thiết. Phó Giám đốc Sở Y tế Phạm Hữu Thanh cho biết sở đang phối hợp tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách thu hút nhân lực mới theo hướng thay đổi Quyết định số 35 và một phần Nghị quyết 08. Tập trung nguồn lực tăng số tiền hỗ trợ 1 lần, ưu tiên bác sĩ về tuyến xã và một số vị trí ở các bệnh viện khó tuyển người...

"Chúng tôi cũng đang tính toán điều chuyển bác sĩ từ tuyến trên về tuyến cơ sở để vá vào những nơi còn thiếu. Mặt khác, tham mưu chính sách hỗ trợ cho y sĩ đi học nâng cao chuyên môn. Kiến nghị tỉnh cho mở lớp đào tạo bác sĩ diện cử tuyển để đào tạo ngay tại tỉnh", ông Thanh nhấn mạnh.

Kêu gọi xã hội hoá trang thiết bị y tế hiện đại

img_1047.jpg
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lưu

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều bác sĩ người Hải Dương sau khi tốt nghiệp không muốn về phục vụ quê hương do trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại để họ phát huy tay nghề. Gần đây nhiều bác sĩ ở bệnh viện công lập xin thôi việc.

Ngoài các nguyên nhân như thu nhập chưa tương xứng, môi trường làm việc thì trang thiết bị y tế lạc hậu cũng là một trong những lí do làm cho việc giữ chân các bác sĩ tại các bệnh viện công lập trở lên khó khăn hơn. Nếu có trang thiết bị y tế hiện đại thì sẽ triển khai được các dịch vụ y tế chất lượng cao, nhân dân có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật y tế chuyên sâu, từ đó cũng tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế.

Với các bệnh viện đang thực hiện tự chủ tài chính, để có kinh phí tự mua sắm các thiết bị y tế hiện đại trong giai đoạn hiện nay là điều không thể. Do giá dịch vụ y tế hiện mới được tính 2 trong 4 yếu tố cấu thành gồm chi phí nhân công và các chi phí trực tiếp. 2 yếu tố chưa được tính là khấu hao tài sản cố định - máy móc và chi phí quản lý. Nhiều địa phương trong đó có Hải Dương chưa quy định giá dịch vụ y tế phù hợp để thu hút đơn vị đầu tư, chưa ban hành giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở tính đúng, tính đủ 4 yếu tố cấu thành theo Luật khám chữa bệnh và phù hợp mức lương cơ sở mới. Do đó rất khó kêu gọi đầu tư trang thiết bị y tế vào các đơn vị y tế công lập theo hình thức xã hội hóa. Ngân sách nhà nước có hạn nên cũng không thể đầu tư một loạt cho các bệnh viện.

Để góp phần giữ chân nhân lực ngành y tế, tỉnh nên tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư xã hội hoá trang thiết bị hiện đại vào các cơ sở y tế công lập theo hướng hợp tác công – tư trên cơ sở sớm ban hành quy định giá dịch vụ y tế phù hợp theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh và tình hình thực tế.

Tiến sĩ, bác sĩ NGUYỄN VĂN LƯU

Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương

TP Hải Dương cần được áp dụng chế độ đãi ngộ thu hút bác sĩ

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tường, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Bình (TP Hải Dương)
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tường

Tôi rất vui khi nghe tin tới đây nhiều khả năng Hải Dương sẽ thay đổi chế độ đãi ngộ để thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã, trên cơ sở sửa đổi Quyết định số 35 của UBND tỉnh đã tồn tại từ năm 2011 đến nay.

Tuy nhiên, nếu chế độ thu hút mới vẫn áp dụng theo từng địa bàn như Quyết định 35 thì TP Hải Dương rất thiệt thòi. Bởi theo quyết định hiện hành, TP Hải Dương là đơn vị duy nhất trong tỉnh không được áp dụng chế độ đãi ngộ thu hút bác sĩ. Cụ thể, bác sĩ nếu về Trung tâm Y tế thành phố và trạm y tế các xã, phường công tác sẽ không được nhận kinh phí hỗ trợ 1 lần từ 70-90 triệu đồng/người như 11 huyện, thị xã, thành phố còn lại.

Tôi được biết, Trung tâm Y tế thành phố và một số trạm y tế xã, phường hiện còn thiếu bác sĩ. Việc tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ đại học không dễ. Trong khi đó, TP Hải Dương là nơi tập trung đông dân cư sinh sống, quá trình già hoá dân số đang diễn ra nhanh, mô hình bệnh tật ngày càng thay đổi nên rất cần nguồn nhân lực y tế chất lượng để đáp ứng yêu cầu điều trị, chăm sóc sức khoẻ nhân. Do vậy, khi tỉnh xây dựng chế độ thu hút bác sĩ về tuyến y tế cơ sở cũng cần áp dụng cho cả địa bàn TP Hải Dương.

Ngoài ra, để thu hút bác sĩ về tuyến xã, tôi đề nghị các cấp sớm đề xuất nâng mức tiền trực cho nhân viên y tế trạm y tế xã. Hàng chục năm qua, chúng tôi vẫn chỉ được hưởng 18.750 đồng tiền trực/ngày thường và 32.500 đồng/thứ bảy, chủ nhật. Ngoài tiền lương được hưởng theo thâm niên, mỗi tháng, một nhân viên y tế trạm y tế chỉ được nhận thêm từ khoảng 300.000-400.000 đồng tiền trực. Đơn vị tôi có 6 cán bộ, nhân viên có thâm niên công tác từ 14 đến gần 30 năm nhưng tổng thu nhập hằng tháng chỉ từ 8-12 triệu đồng/người. Sống ở thành phố, số tiền này chưa đủ chi tiêu, lo cho con cái ăn học, một số người phải làm thêm việc khác...

Bác sĩ NGUYỄN HỮU TƯỜNG

Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Bình (TP Hải Dương)

BÌNH MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực ngành y tế Hải Dương: Thiếu nhiều, khó tuyển
    ss