Phong trào trồng cây, làm vườn, nói không với rác thải nhựa được các trường phát động là một chương trình giáo dục rất ý nghĩa.
Trong khuôn khổ Lễ hội "Hải Dương-thành phố tình yêu" vừa qua, Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao TP Hải Dương đã cung cấp 2.000 đầu sách để tổ chức Ngày hội "Đổi sách lấy cây xanh". Học sinh của 6 trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố gồm: Tiểu học Thanh Bình, Hải Tân, Tứ Minh; THCS Lê Quý Đôn, Tứ Minh, Ngọc Châu đã tham gia ngày hội. Ngày hội truyền tải thông điệp đến tất cả mọi người hãy tạo một không gian sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ.
Những năm học trước, nhiều trường học trong tỉnh cũng đã có một số chương trình, hoạt động ý nghĩa để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa… cho học sinh. Con tôi học tại Trường Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương). Năm ngoái, cháu xin bà một ít hạt giống rau để ra trường trồng cùng cô giáo và các bạn. Mỗi buổi tan học về, cháu lại hào hứng kể về vườn rau của lớp mình. Trường ở trong nội thành nên không có nhiều diện tích. Các cô giáo đã tạo ra một khu vườn treo với những chiếc giá đỡ các khay đất nhỏ treo trên tường rồi phân cho học sinh các lớp tự gieo trồng và chăm sóc. Cô giáo hướng dẫn, đôn đốc các em. Đến kỳ thu hoạch, các cháu đều được mang sản phẩm của lớp mình về. Mỗi học sinh chỉ 1-2 cây rau cải hoặc một nắm hành nhỏ nhưng các cháu rất vui. Trường còn tổ chức hội chợ mang tên "Sản phẩm tái chế" với các lọ hoa, hộp đựng bút... do học sinh của trường làm ra từ rác thải nhựa. Chi cục Bảo vệ môi trường cũng hướng dẫn thầy cô giáo và học sinh phân loại rác thải tại nguồn. Từ những hoạt động tuyên truyền ấy, lâu nay học sinh của trường đã nói không với hộp xốp và túi nilon.
Ở Trường Tiểu học Phạm Trấn (Gia Lộc) cũng có khu vườn rau, hoa bốn mùa xanh tốt rộng hơn 500 m2. Các thầy cô giáo trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ học sinh về kỹ năng, kiến thức gieo trồng. Vào các giờ ra chơi hay lúc tan học, các em học sinh tự tay xới đất, gieo hạt, tưới cây, bắt sâu. Mô hình không chỉ giáo dục kỹ năng sống, giá trị lao động cho học sinh mà còn góp phần xây dựng cảnh quan học đường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Xây dựng không gian xanh ở trong và ngoài lớp học được không ít trường trong tỉnh thực hiện từ nhiều năm nay gắn với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Có trường thì phát động giáo viên và học sinh tham gia làm vườn như Trường Tiểu học Phạm Trấn, Bình Minh. Có trường lại vận động học sinh tham gia góp mỗi em một chậu cây cảnh nhỏ. Tùy theo kích cỡ, các chậu cây được sắp đặt từ hành lang cho tới trong lớp học, tạo nên không gian xanh trong và ngoài lớp.
Không gian xanh giúp cho thầy cô, trò vơi đi những căng thẳng, mệt mỏi trong các tiết dạy và học. Cây xanh cũng giúp không khí trong lành, dịu mát hơn.
Những phong trào trồng cây, làm vườn, nói không với rác thải nhựa được các trường phát động thường phù hợp với sức khỏe, khả năng của các em. Đây là một chương trình giáo dục rất có ý nghĩa đối với các em học sinh-những chủ nhân tương lai của tỉnh, của đất nước. Khi tham gia các phong trào này, các em không chỉ được giáo dục kỹ năng sống, lao động, mà còn bồi đắp tình yêu thiên nhiên, xây dựng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tập trung xây dựng các đô thị động lực của tỉnh trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống; có nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh… là một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra trong 5 năm tới. Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, mỗi tổ chức, cá nhân cần hưởng ứng bằng những hành động thiết thực, cần nuôi dưỡng và nhân lên những tình yêu xanh.
KIM THANH