Nhận diện và đề phòng “ngáo đá”

23/03/2019 08:27

Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ người nghiện ma túy gây nên những vụ giết người rồi tự sát, khiến dư luận hết sức lo ngại cho cuộc sống bình yên của mỗi gia đình và cộng đồng.

Nghi phạm của các vụ án này phần lớn là người trẻ tuổi, dùng ma túy tổng hợp - một chất gây nghiện kích thích rất mạnh (còn gọi là ma túy đá). Người dùng không tự chủ được hành vi, thường gọi là “ngáo đá”.

Gần đây nhất, ngày 11.3.2019, vừa ra tù không lâu, Nguyễn Hoàng Nam, 26 tuổi ở quận Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) đã sát hại nhiều người thân. Sau khi sát hại một người thân tại tỉnh Long An, Nam lại quay về giết bà nội, mẹ đẻ và đâm bố ruột trọng thương (sau đó chết). Khi bị công an bắt, nghi phạm còn nói đang đi tìm giết một người nữa. Thật kinh hoàng! Qua kiểm tra xác nhận Nam dương tính với ma túy đá.

Vì sao khi người nghiện ma túy đá lại nguy hiểm đến như vậy? Theo PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần kinh và tâm lý y học, Bệnh viện Quân y 103 và nhiều chuyên gia khác, ma tuý đá (còn gọi là methamphetamine) là một trong những chất gây nghiện nguy hiểm bậc nhất được biết đến hiện nay trên thế giới. Khi vào cơ thể, chúng làm biến đổi tâm sinh lý, gây hoang tưởng, ảo giác, ảo thị, ảo thanh, ám ảnh bị hại, bị giết, nhìn thấy quái vật… Ma túy đá biến người lương thiện thành kẻ hung hãn, độc ác… Ngoài những hành vi nguy hiểm như giết người, tự sát, người nghiện ma túy đá lâu dài còn có thể sinh ra nhiều bệnh khác.

Tại Hải Dương cũng từng có nhiều kẻ "ngáo đá" gây ra những vụ việc thót tim. Ngày 30.1.2019, Tòa án Nhân dân huyện Ninh Giang tuyên phạt Phạm Ngọc Hậu (sinh năm 1989, trú tại thôn Thọ Sơn, xã Quang Hưng, Ninh Giang) 27 tháng tù giam về tội bắt giữ người trái pháp luật. Trước đó, khoảng 7 giờ 30 ngày 28.11.2018, Hậu đột nhập vào nhà chị Đàm Thị Hương ở cùng thôn Thọ Sơn, dùng dao khống chế, bắt giữ cháu Phạm Mai Nga (sinh năm 2014, con gái chị Hương). Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, lực lượng công an mới bắt giữ được Hậu và giải cứu cháu Nga. Nguyên nhân của vụ việc là do Hậu lên cơn "ngáo đá".

Phải phòng ngừa những nguy hiểm do người nghiện ma túy gây ra bằng mọi biện pháp từ tuyên truyền pháp luật, chế tài xử phạt, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn nguồn cung ma túy, trong đó có ma túy đá; giảm người nghiện ma túy đang có chiều hướng gia tăng ở một số nơi… Phải thực hiện thường xuyên chương trình phòng chống ma túy từ cơ sở, phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm quản lý của chính quyền cấp xã, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của lực lượng chức năng trong việc tuần tra, kiểm soát, lập hồ sơ quản lý người nghiện…

Cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người, đặc biệt là các bậc cha mẹ và thanh thiếu niên thấy rõ sự nguy hiểm của ma túy nói chung, ma túy đá nói riêng, nhận diện được những biểu hiện bất thường của người nghiện ma túy đá. Theo các chuyên gia, những biểu hiện của "ngáo đá” thường thấy là những người luôn thay đổi quy luật sinh hoạt, làm việc, không quan tâm đến người thân, ăn ngủ thất thường, sức khỏe giảm sút, thức trắng đêm nhưng vẫn tỉnh táo, ngủ nhiều ban ngày, mắt đảo qua đảo lại liên tục, uống nước nhiều, mồ hôi có mùi khai, mắt thâm quầng… Những biểu hiện trên thì người thân trong gia đình, bạn bè có thể quan sát và dễ dàng phát hiện được. Từ đó khuyên người nghiện đi khám, cai nghiện… để phòng tránh những hành vi nguy hiểm có thể xảy ra.


NGUYỄN THẾ 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện và đề phòng “ngáo đá”