Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhanh già vì quá... lo xa

26/12/2021 10:29

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng không ít lần ca cẩm về cái “bản mặt già trước tuổi” của mình. Là người được tiếng lành hiền, đôn hậu, song gương mặt ông lại có vẻ khắc khổ, khó gần.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng không ít lần ca cẩm về cái “bản mặt già trước tuổi” của mình. Là người được tiếng lành hiền, đôn hậu, song gương mặt ông lại có vẻ khắc khổ, khó gần. Kỳ thực, nhà văn có thiên hướng viết về chuyện lịch sử này vốn là người cả nghĩ.

Tháng 10.1955, trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Xô, Nguyễn Huy Tưởng được mời sang thăm Liên Xô. Qua những năm dài gian lao kháng chiến, từ rừng sâu Việt Bắc được đi thăm quê hương Cách mạng Tháng Mười, nơi được xem là thiên đường của chủ nghĩa xã hội, những tưởng nhà văn sẽ rất vui. Song, cứ theo như trong nhật ký thì được tin đi ông lại “bịn rịn không vui”. Một phần vì cuốn sách “Truyện anh Lục” của ông đang in dở, một phần vì cậu con trai duy nhất của ông “đang ho”, “nên ra đi lại càng lo”. Nhưng đấy chỉ là một vài lý do phụ, cái chính là ông “tự thắc mắc nhiều nhất là khả năng có hạn, ở nhà cũng đã tầm thường, sang Liên Xô, gặp những người, nhất là những văn nghệ sĩ nổi tiếng, lừng lẫy, mình đã xứng đáng đại diện cho văn nghệ Việt Nam đâu” và “Biết gì mà nói, biết gì mà giới thiệu”. Mãi rồi, ông phải trấn an mình: “Lo cũng không được”, thôi thì “biết nói biết, không biết nói không biết”.

Ngày 15.5.1956, hay tin nhà văn Nga Pha-đê-ép tạ thế, lại đọc được một nhận xét của văn hào Sô-lô-khốp, đại ý: Bầu Pha-đê-ép giữ cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô là “Cướp mất của Pha-đê-ép 15 năm sáng tác”, nhìn lại sự nghiệp văn học của mình, Nguyễn Huy Tưởng không khỏi bàng hoàng. Và ông tự nhủ: “Cần mạnh dạn vứt bỏ những công việc sự vụ mà lo nghĩ về sáng tạo”.

Mặc dù tâm niệm vậy, nhưng đến khi Đại hội Văn nghệ toàn quốc khai mạc (ngày 28.2.1957) và được rút ra khỏi vị trí lãnh đạo, Nguyễn Huy Tưởng lại ở vào tâm trạng vừa mừng vừa... lo. Và ông đã ghi lại mối lo ấy như sau: “Lo không sống được. Vợ sắp đẻ, con nhiều, nhà xuất bản ít. Làm sao mà sáng tác đủ để mà nuôi vợ con”. Cũng tâm trạng tương tự, sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa I, Nguyễn Huy Tưởng viết trong nhật ký: “Kế hoạch 3 năm: phấn khởi. Nhưng lại lo: nhân dân tiến vùn vụt. Mình sẽ theo làm sao đây?”.

Vẫn biết sống ở đời, ai cũng cần có lúc phải lo xa, song vấn đề là, như nhà thơ Thôi Hữu từng có lần khuyên Nguyễn Huy Tưởng: “Có việc thì cứ làm. Lo mà biết là cũng không làm được gì thì không nên lo nữa”. Bản thân Nguyễn Huy Tưởng, sau lời khuyên này cũng cảm thấy “đỡ lo”. Song rồi... đâu vẫn lại đấy. Tính cách của ông là vậy. Âu cũng là: Lo xa vốn sẵn… tính trời!

NT(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhanh già vì quá... lo xa