TP Hải Dương hiện thiếu nhiều nhà văn hoá khu dân cư nhất tỉnh. Thành phố cũng có nhiều thôn, khu dân cư thừa nhà văn hóa nhất tỉnh Hải Dương.
9 khu dân cư không có nhà văn hoá
Toàn tỉnh Hải Dương thiếu 27 nhà văn hoá thôn, khu dân cư. Trong đó, TP Hải Dương thiếu nhiều nhà văn hoá nhất với 9 khu dân cư chưa có nhà văn hoá. Phường Thanh Bình thiếu 3 nhà văn hoá của các khu dân cư số 6, 9, 11. Các phường Tân Bình, Ái Quốc, Tứ Minh, Hải Tân, Cẩm Thượng, Việt Hoà, mỗi phường có 1 khu thiếu nhà văn hoá.
Do thiếu nhà văn hoá, một số thôn, khu dân cư ở TP Hải Dương vẫn phải sinh hoạt ở đình làng hoặc tận dụng không gian khác. Việc tổ chức đại hội chi bộ ở nhà dân, ngày hội đại đoàn kết trên vỉa hè, sinh hoạt nhờ ở nhà văn hoá khu dân cư khác đã tồn tại từ lâu. Ở xã Tiền Tiến, các thôn Cập Nhất 1, Cập Nhất 3, Cập Thượng 2 phải sử dụng lại các trụ sở nhà trẻ cũ.
Trong số 10 dự án khu đô thị, khu dân cư mới ở TP Hải Dương có 7 dự án chưa xây dựng công trình văn hoá, thể thao, trong đó có các dự án khu đô thị Phú Quý Golden land, khu đô thị phía Tây phường Tứ Minh, ven quốc lộ 5...
Tháng 6/2024, Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương giám sát về thực trạng thiết chế văn hoá cơ sở trên địa bàn tỉnh và đã khảo sát trực tiếp tại TP Hải Dương về nội dung này.
Theo UBND TP Hải Dương, nguyên nhân chính dẫn đến thiếu thiết chế văn hoá là thiếu quỹ đất cho các thiết chế này, nhất là ở khu dân cư thuộc các phường nội thành. Đồng thời, quỹ đất dành cho thiết chế văn hoá, thể thao tại một số dự án khu đô thị, khu dân cư còn nhỏ, chưa bảo đảm tiêu chí. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao còn nhiều khó khăn.
Dư thừa 40 nhà văn hoá, nhiều nơi bỏ không
Trong khi nhiều khu dân cư thiếu nhà văn hoá thì TP Hải Dương có 40 nhà văn hoá thôn, khu dân cư dư thừa do sắp xếp đơn vị hành chính năm 2019. Một số nơi đã chuyển mục đích sử dụng, còn nhiều nơi ở trung tâm thành phố khai thác kém hiệu quả hoặc để hoang hoá, xuống cấp.
Nhà văn hoá khu dân cư số 3 cũ, nay là khu 7 của phường Nguyễn Trãi nằm ở ngõ 110 phố Nguyễn Trãi. Nhà văn hoá này rộng khoảng 110 m2, bỏ không từ sau khi sáp nhập khu dân cư năm 2019. Tường mọc nhiều rêu, phần sân nhỏ bên ngoài được vài người tận dụng làm chỗ để xe, vật liệu.
Cách đó không xa, 2 nhà văn hoá khu dân cư khác ở phường Nguyễn Trãi cũng trong tình trạng khoá cửa, bỏ không. Nhà văn hoá khu dân cư số 10 cũ được người dân tận dụng để sinh hoạt văn nghệ hoặc nhà có công việc thì mượn địa điểm tổ chức.
Ở phường Lê Thanh Nghị, một số nhà văn hoá khu dân cư thừa vướng quy hoạch, có tranh chấp nên việc xử lý trụ sở dôi dư sau sáp nhập gặp khó khăn. Do đó, những nhà văn hoá khu dân cư dư thừa cũng giống như ở phường Nguyễn Trãi.
Sau sáp nhập năm 2019, đa số nhà văn hoá khu dân cư dôi dư ở TP Hải Dương được đề nghị bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho các thiết chế văn hoá, công trình phục vụ người dân.
Hiện nay, một số phường đang lựa chọn đơn vị thẩm định để đấu giá. Tuy nhiên, việc này gặp khó do những thủ tục phức tạp. Riêng việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá, tổ chức đấu giá tài sản cũng khó vì giá trị những nhà văn hoá này không quá lớn nên nhiều đơn vị không mặn mà. Vì những vướng mắc kéo dài nên nhiều nhà văn hoá bị bỏ hoang.
Theo tìm hiểu của phóng viên, diện tích các nhà văn hoá ở TP Hải Dương chủ yếu khá nhỏ, chỉ tương đương thửa đất ở của 1 hộ gia đình. Nhiều người dân mong muốn giữ lại, cải tạo làm không gian sinh hoạt chung.
Sau giám sát, Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đã đề nghị UBND TP Hải Dương có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhà văn hóa; tham mưu xử lý 40 nhà văn hóa thôn, khu dân cư dôi dư để bố trí thêm các điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng.
PHONG TUYẾT