Hàng chục năm trôi qua, từ làng nhỏ, con phố Trương Hán Siêu ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) như thay da đổi thịt, khoác lên mình chiếc áo mới đẹp đẽ, nhưng vẫn luôn lưu giữ sự ấm áp của tình người.
Làng Gòi trong ký ức
Tôi sinh năm 1987. Khi tôi sinh ra, bố mẹ, ông bà tôi đã ở làng. Ngày ấy, con đường phía trước nhà tôi chỉ rộng chừng hơn 2 m, nhỏ và vắng lắm. Ngoài nhà tôi và những căn nhà bé tẹo bên cạnh, cả một khoảng không rộng mênh mông xung quanh đều là những ruộng rau muống xen lẫn những bãi cát trắng. Chiều chiều, tan học là lũ trẻ chúng tôi chỉ kịp chạy về nhà cất cặp rồi vèo sang bãi cát xoay trần đá bóng, nặn bi cát.
Có hôm trời mưa, nước đọng trên bãi cát, chúng tôi đào hẳn một đường rãnh để nghịch nước. Hôm nào cũng như hôm nào, quần áo, đầu tóc đều lấm lem, bê bết vì mồ hôi trộn với cát. Bãi cát ấy đã làm chúng tôi mê mẩn đến nỗi phải lĩnh bao trận đòn do mải chơi, không nghe thấy tiếng bố mẹ gọi về nhà khi trời đã tối.
Trẻ con ở làng chúng tôi đều lớn lên như thế, vui và nhớ lắm.
Những tối trăng sáng vằng vặc, chẳng cần đúng dịp Trung thu, chúng tôi vẫn có đèn lồng. Ngày ấy, nhà nào chẳng có vài ba hộp xà phòng giặt to như cái ca múc nước, vài ba ống bơ sữa. Vét hết xà phòng sang một cái túi, đổ hết sữa ra cốc, chúng tôi đục lỗ, lấy cành cây buộc dây để làm đèn lồng. Nào là ngôi sao, nào là chiếc lá, hình nào cũng có, vuông tròn đủ cả. Thắp đèn, rồi chúng tôi rước đèn chạy khắp nơi trong làng.
Dần dần người dân từ nơi khác chuyển về khu nhà tôi đông hơn. Bãi cát và những ruộng rau muống dần thu hẹp rồi biến mất. Thay vào đó là những căn nhà 2-3 tầng san sát. Con đường phía trước nhà tôi sau nhiều lần cải tạo đã rộng đến cả chục mét, lại có cả vỉa hè. Dòng xe cộ qua lại tấp nập hơn. Trước chỉ là những chiếc xe máy, nay thì từng hàng dài ô tô đỗ trước cửa. Phố cũng hình thành từ bao giờ.
Trong số những đứa trẻ chúng tôi ngày bé, có đứa đi học rồi sống ở nước ngoài nhiều năm, khi quay về đều ngỡ ngàng vì sự đổi thay nơi đây. Bởi làng Gòi của tôi ngày trước giờ đã khác.
Mộc mạc phố
Có người nói rằng phố là nơi “nhà nào biết nhà ấy”. Điều đó có thể đúng với nhiều nơi, nhưng chắc chắn không phải ở nơi tôi đang sống. Có thể vì nơi đây từng chỉ là ngôi làng nhỏ phía dải phù sa ven sông Thái Bình, chỉ với vài trăm hộ dân ngày trước mà hình thành nên những tuyến phố như Trương Hán Siêu, Phan Chu Trinh, Nhị Châu ngày nay, nên ai cũng như ai, vẫn giữ được nét mộc mạc, giản dị của tình người, "bán anh em xa, mua láng giềng gần".
Những buổi chiều, từng tốp người cao tuổi quây quần trước sân nhà trò chuyện, hỏi han nhau. Trẻ con vẫn ríu rít nô nghịch sau mỗi giờ tan học. Tính cộng đồng trong phạm vi làng xã vẫn lưu lại, nhân ái đùm bọc nhau lúc tắt lửa tối đèn.
Cứ sau những trận mưa lớn, nhà tôi và nhiều nhà khác lại bị ngập. Tôi nhớ có lần nước lênh láng, ngập cả khu chuồng nuôi gà, lợn. Chưa cần một lời nhờ vả, hàng xóm đã sang giúp đỡ. Nửa đêm, người thì giúp chuyển đồ đạc, người thì kê vài ba viên gạch làm lối đi. Hết nhà này rồi đến nhà nọ. Cứ thế, nước mưa ướt sũng quần áo nhưng không làm nhạt đi nụ cười, ánh mắt thật thà, chất phác của tình làng nghĩa xóm. Hễ nhà nào có việc là cả xóm xúm vào giúp đỡ, người thì cho mượn cái mâm, người thì cho mượn cái chiếu. Thiếu bát có bát, thiếu ghế có ghế. Cứ thế, nơi tôi sống đoàn kết, quây quần từ những ngày còn khó khăn cho đến tận bây giờ.
Mỗi khi Tết đến xuân về, khu phố tôi lại rôm rả tiếng cười nói quanh những nồi bánh chưng chung của xóm. Không khí Tết vẫn như ngày nào, rộn ràng, háo hức. Ly rượu vang, lời chúc sức khỏe, bình an ngày đầu năm cứ lan từ nhà này sang nhà khác.
Tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, làng đua nhau lên phố. Quá trình đô thị hóa là không thể tránh. Nhưng dẫu không gian làng có đổi thay thì văn hóa làng vẫn là sợi dây kết nối bền chặt mỗi cá nhân với cộng đồng. Để gìn giữ, phát huy giá trị đẹp đẽ của văn hóa làng cần có một sự dung hòa. Chỉ mong sao, dù có lên phố, khu tôi sống, nơi tôi sinh ra vẫn sẽ mãi giữ được tình làng ngày xưa, quấn túm, vui vầy và đoàn kết. Để mãi sau, những đứa trẻ ở phố vẫn được hồn nhiên, vui đùa như chúng tôi ngày thơ bé.
Một số người già ở đây kể lại, từ thuở xưa có người quê làng Gòi tít tận Kiến An (Hải Phòng) đã đi nhiều nơi tìm chốn lập nghiệp. Về nơi đây thấy gò nổi thuận tiện làm ăn, buôn bán nên đã mở quán lập hàng, gọi nơi đây theo tên làng cũ. Cái tên làng Gòi cũng từ đó hình thành, đến nay vẫn không ít người quen gọi.