Tôi theo mẹ về thị xã Hải Dương sinh sống từ năm 1984, trừ 4 năm học đại học xa nhà, đã 35 năm tôi gắn bó với mảnh đất này. Bởi vậy, ký ức của tôi về TP Hải Dương cũng như những thước phim tư liệu từ đen trắng tới sắc màu, nhớ nhất là thời thị xã còn nghèo.
Năm 1984, mẹ tôi xin chuyển công tác từ Hưng Yên về Hội Nông dân tập thể tỉnh Hải Hưng. Tôi lúc ấy mới hơn 2 tuổi, chính thức trở thành công dân thị xã.
Ngày ấy, gia đình tôi sống ở Khu tập thể Tỉnh ủy, chính là khu vực Nhà khách Bạch Đằng bây giờ. Mỗi hộ được phân cho một căn chừng 15 m2. Nhà cũng là bếp. Chỉ có một số hộ tận dụng được khoảng sân ít ỏi dựng lên chái bếp nhỏ. Bếp đã siêu nhỏ chỉ vài ba m2 nhưng vẫn được ngăn ra, 2/3 tận dụng làm chuồng nuôi lợn hoặc gà, phần còn lại đặt bếp củi hoặc bếp than tổ ong để đun nấu. Kinh tế ngày ấy khó khăn lắm nên kể cả nhà các bác trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chăn nuôi thêm lợn, gà. Bèo, rau muống thì ra sông Sặt (tôi vẫn quen gọi là sông Bạch Đằng) vớt. Những ngày trở trời, các bác và mẹ tôi thường rủ nhau ra sông vợt tôm tép, nhiều hôm thì đi bắt trai. Nhà nào được nhiều sẽ đem ra chợ bán, còn ít thì để cải thiện bữa ăn.
Chúng tôi cũng đã được dùng nước máy nhưng chuyện mất nước như cơm bữa. Cả khu tập thể chỉ có 2 bể nước ở 2 đầu. Những ngày bể đầy hiếm lắm. Vì thế nhà đã chật chội nhưng đều có thêm thau, chậu để chứa nước dự trữ. Chính vì hay bị mất nước nên ngay cả cánh trẻ nhỏ chúng tôi cũng đã biết phải dùng vô cùng tiết kiệm: vo gạo xong sẽ dùng nước ấy để rửa rau, rồi lại tận dụng để cọ chuồng lợn, gà… Bờ sông Bạch Đằng vẫn là bờ đất, các bác và mẹ tôi tận dụng trồng thêm nhiều loại rau theo mùa. Đoạn từ cầu Tam Giang đến khu vực Nhà Thi đấu thể dục thể thao hồi ấy vẫn còn một vài hộ dân sinh sống, có hộ là do lấn chiếm, có hộ có hẳn "sổ đỏ". Mãi sau này khu tập thể mới có nhà vệ sinh tự hoại, còn ban đầu nhu cầu được giải quyết ở 1 nhà vệ sinh công cộng dựng ngay bờ sông. Cảnh vật ven sông Sặt lúc ấy nhếch nhác khác xa bây giờ.
Nghèo nên ngoài chăn nuôi thêm lợn, gà, hầu như nhà nào trong khu tập thể cũng phải kiếm việc để làm thêm, mùa nào thức nấy, khi thì bóc lạc thuê, lúc thì cuộn len. Tối tối sau giờ làm việc, giờ học, người lớn, trẻ nhỏ lại ngồi quây quần, vừa làm vừa trò chuyện, vui lắm!
Mãi năm 1996 quốc lộ 5 mới được cải tạo. Năm 1998 mới hoàn thành, đưa vào sử dụng nên trước thời điểm ấy đường Bạch Đằng nơi tôi ở là tuyến giao thông chính chạy qua thị xã. Xe tải, xe khách đều phải qua đây để ra cầu Phú Lương cũ về phía Hải Phòng và ngược lại. Tôi còn nhớ có nhiều xe tải chở hàng của bộ đội đi qua, tối đến, các chú chọn nghỉ chân ngay bên sông. Đến đâu là nhà, họ xếp gạch, bắc bếp ngay bên bờ sông. Các chú hay vào khu tập thể của chúng tôi xin nước nấu ăn. Tình quân dân thắm thiết nên dù với chúng tôi ngày ấy nước quý lắm, nhưng cứ có bộ đội vào là nhà nào cũng sẵn lòng san sẻ.
Là tuyến giao thông huyết mạch qua thị xã nên đường Bạch Đằng đến đoạn cầu Phú Lương cũ cũng là “điểm đen” về tai nạn giao thông, đặc biệt là khu vực ngã ba Tam Giang. Thỉnh thoảng tôi lại nghe có tai nạn. Hai đầu cầu Phú Lương thì thường xuyên tắc nghẽn.
Trên phố Bạch Đằng (đoạn Phòng Công chứng số 1 bây giờ) có mấy cửa hàng bán mắm, muối, cá khô. Thỉnh thoảng, mẹ sẽ sai tôi đi mua mắm. Cửa hàng lúc nào cũng ẩm thấp, chạm tay vào mặt quầy dinh dính. Mắm được đựng trong những chum to, trên phủ vải. Các cô bán hàng đong mắm bằng ca, chiết ra một cái chai tầm nửa lít, sau đó sẽ san sang chai, lọ của khách bằng phễu.
Tôi thích nhất là dịp cuối tuần, độ 1 tháng mẹ sẽ cho anh em tôi ra Bách hóa tổng hợp chơi. Đó là “trung tâm thương mại” sang nhất ở thị xã lúc ấy, bày bán chủ yếu là thau, chậu, xoong nồi, màn, quần áo… Tôi thích ra đó chơi vì ở đó ánh đèn luôn sáng choang, mùa hè lại có quạt trần mát mẻ. Hôm nào sang chảnh lắm sẽ được mẹ đãi kem. Sân tổng hợp có khá nhiều hàng kem mút. Kem đựng trong thùng xốp, lót vải màn dày để giữ hơi lạnh và không bị tan chảy.
Cả thị xã hình như chỉ có mỗi nhà hàng Thủy Tạ nằm ở khoảng đầu đường Nguyễn Lương Bằng bây giờ là cung cấp dịch vụ ăn uống. Nhà hàng nằm trên mặt nước, có cầu nhỏ bắc sang, xung quanh thả nhiều hoa súng.
Mẹ tôi quê ở Hưng Yên nên mỗi năm đều cố gắng về thăm quê một lần. Mỗi lần muốn về quê, bố mẹ thường lai chúng tôi ra bến xe khách từ sớm. Vị trí bến xe vẫn là chỗ Bến xe khách Hải Dương bây giờ. Mẹ đứng trông chúng tôi và đồ đạc, còn bố tôi sẽ phải xếp hàng nhích từng chút một để đến phiên mua vé. Phòng chờ bến xe được ngăn bằng hàng rào sắt thành những lối xếp hàng chỉ vừa một người đứng. Trong lúc chờ đợi, thỉnh thoảng anh em tôi được mẹ đãi mấy khẩu mía hoặc cái kẹo dồi, bên trong có mạch nha và lạc, ăn bùi bùi. Mỗi chuyến xe khách là một nỗi ám ảnh khó phai. Người, gà vịt, chó mèo, thóc gạo… tất cả đều được chất lên xe. Còn nóc xe thì chằng xe đạp. Hôm nào may mắn lắm thì được ngồi ghế, còn không, nhiều người ngồi cả lên các bao hàng đặt dưới sàn.
Cuộc sống còn nghèo nên các loại hình giải trí cũng ít ỏi. Có năm đoàn làm phim Bỉ vỏ chọn Hải Dương làm bối cảnh, quay ngay bên bờ sông. Đoàn huy động nhiều người dân đóng vai quần chúng. Nhiều bác, cô tôi quen cũng mặc quần áo nâu sồng hòa vào dòng người ấy.
Nhưng chúng tôi chẳng được xem phim, bởi hồi ấy xem phim điện ảnh là một chuyện rất xa xỉ. Cả khu tập thể chỉ 1 nhà có cái ti vi đen trắng, mỗi tuần chúng tôi được cha mẹ cho đi xem 1 lần. Tối nào được đi xem tôi cũng thấy người lớn, trẻ nhỏ ngồi chật kín từ trong nhà ra đến hiên. Ai nhanh chân đi sớm thì được chỗ tốt, người chậm chân có khi chỉ nghe tiếng. Thi thoảng màn hình lại bị nhiễu, mấy bác nam giới ngồi gần cột ăng ten phải ra xoay một hồi mới bắt được tín hiệu trở lại.
Năm 1987, tôi bắt đầu đi học, điểm trường chính ở vị trí của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu bây giờ (đại lộ Hồ Chí Minh). Nhưng vì không đủ phòng nên phần lớn khối lớp 1 sẽ học ở Hội quán Hoa Kiều, còn gọi là trường Việt Hoa trên đường Bạch Đằng. Riêng lớp chúng tôi, do năm ấy quá đông nên sau lễ khai giảng ở trường Việt Hoa, phải học nhờ ở một phòng trong ngõ nhỏ thông từ phố Xuân Đài sang Đội Cấn. Đến năm tôi lên lớp 3, chúng tôi chuyển sang học nhờ ở Cung Thiếu nhi. Mãi năm lớp 4, lớp 5 tôi mới được chuyển về học ở điểm trường chính. Phòng học bấy giờ phần lớn là lát gạch đỏ loại nhỏ, nhưng không bằng phẳng mà nhiều chỗ lõm hẳn xuống. Sân trường là nền đất, giờ ra chơi bọn con trai toàn chơi cắm đồn.
Mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi thường hẹn nhau đến chúc mừng cô giáo chủ nhiệm. Nhà cô giáo tôi ở gần khu vực Nhà Thi đấu bây giờ. Chỗ sân Quảng trường Thống Nhất hồi ấy là khu trạm bơm, có 4 vòi bơm nước lớn. Bởi thế đường Bùi Thị Xuân khi ấy gọi là đê Bốn Vòi. Đường qua trạm bơm rải đá hộc, xuống cấp nghiêm trọng nên sau mỗi trận mưa lớn, sình lầy quá mắt cá chân. Còn chỗ Nhà Thi đấu bấy giờ là khu ruộng trồng khoai hoặc rau màu. Đê bằng đất, nhà dân hai bên ở tụt xuống chừng 2 mét. Đi xa thêm một đoạn là khu trường bắn nơi thi hành án tử đối với tù nhân. Nhìn khu đô thị sinh thái Ecoriver bây giờ hiện đại là thế nhưng hồi ấy là khu cánh đồng thẳng cánh cò bay.
Sau này, tỉnh có chế độ phân đất, phân nhà cho một bộ phận cán bộ. Nhiều bác được phân đất ra phố Đặng Quốc Trinh bây giờ hoặc sang khu làng Gòi (giờ là phường Nhị Châu). Nhà dì tôi cũng được phân một lô ở phố Đặng Quốc Trinh. Đường ra nhà dì chỉ là đường đê nhỏ sình lầy. Từ mặt đê có lối vào từng hộ bằng con đường đất nhỏ xíu. Cả khu phố ngày ấy chắc chỉ vài ba chục hộ, thưa thớt lắm.
Khu tập thể của chúng tôi cũng giải tán từ đấy, mỗi nhà chuyển tới một nơi. Nhiều nhà đã chuyển về Hưng Yên thời điểm tách tỉnh. Ký ức của tôi về khu tập thể dừng ở đó, nhưng nỗi nhớ thì chẳng bao giờ phai.
KIM THANH