Xung quanh sự xuất hiện của ngôi nhà vi phạm quy định về xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang, nhiều chuyên gia và du khách đã có ý kiến về câu chuyện quy hoạch, quản lý danh thắng.
Công trình sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng vẫn mở cửa đón khách ngày 5.10. Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Không để "cái sảy nảy cái ung"
Đây mới là cái đầu tiên tại khu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Mã Pì Lèng, vừa là công trình trái phép, vừa làm xấu cảnh quan. Để không có chuyện "cái sảy nảy cái ung", cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết tháo dỡ công trình này để không có khách sạn thứ 2, thứ 3 mọc lên trong nay mai phá nát khu vực này.
Nguyên nhân của việc xây dựng chen ở các khu danh thắng gần đây, theo tôi, có thể xuất phát từ việc thiếu hiểu biết của cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Người quản lý có thể không biết Luật Di sản cấm điều này, hoặc không màng đến tầm quan trọng của di sản. Người dân lại cho rằng đây là vấn đề xấu đẹp chứ không biết mình đã vi phạm luật.
Vì vậy, ngoài chuyện phê phán theo cảm tính về thẩm mỹ của công trình, các cơ quan truyền thông, chính quyền còn phải tuyên truyền những quy định của Luật Di sản về trách nhiệm bảo vệ công trình, về hành vi bị cấm theo Luật Di sản và nhất là phải xử lý kiên quyết với những hành vi vi phạm.
Việt Nam đã ký công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên thế giới nên phải bảo vệ và tuân thủ các quy định của công ước. Những trường hợp đã được công nhận là danh thắng nhưng sau đó không được bảo vệ tốt, bị những công trình nhân tạo phá vỡ cảnh quan sẽ bị thu hồi quyết định công nhận danh thắng.
TS.KTS NGUYỄN HẠNH NGUYÊN(Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh)
Thiếu quy hoạch cho vùng đệm
Tôi cho rằng cơ quan chức năng phải xử lý mạnh trường hợp này để không có công trình thứ 2, thứ 3 mọc lên nơi này. Dù không thuộc khu vực bảo vệ của danh thắng nhưng công trình này ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan của danh thắng, cản tầm nhìn và phá vỡ cảnh quan khu vực.
Qua chuyện này còn lộ ra một thiếu sót của Luật Di sản khi chỉ quy định vùng 1, vùng 2 để bảo vệ di sản mà không quy định về vùng đệm giữa khu vực được bảo vệ với khu vực phát triển đô thị. Nên quy định thêm một vùng đệm, đó là những khu vực lân cận mà khi một người đứng ở khu vực đó có thể nhìn thấy di sản và đứng ở khu lõi di sản cũng nhìn thấy khu vực này.
Những vùng đệm có quy hoạch phát triển phù hợp với cảnh quan với những chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cụ thể như những vị trí được xây dựng, tầng cao, vật liệu, quy mô của công trình. Những vị trí có thể nhìn thấy di sản trực tiếp sẽ không được xây dựng. Nếu cần phải có hội đồng để xây dựng tiêu chí hướng dẫn hoặc cần thiết, hội đồng này phản biện xem xét cho từng dự án, công trình.
Các công trình lân cận những khu danh thắng quốc gia cũng phải có quy mô xứng tầm với danh thắng, hài hòa với tự nhiên chứ không phải muốn xây gì cũng được.
TS.KTSNGÔ VIẾT NAM SƠN
Phải xử lý hình sự để răn đe
Việc xây dựng trái phép trong các khu di tích, danh thắng quốc gia xảy ra nhiều nơi thời gian qua là do chính quyền địa phương còn lỏng lẻo trong quản lý. Để chấm dứt tình trạng này, theo tôi, cần cá thể hóa trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cần có quy trách nhiệm cho người đứng đầu UBND các quận, huyện, xã, phường để xảy ra việc xây dựng trái phép xâm phạm danh thắng. Khi có vi phạm, Nhà nước có thể xử lý nặng, cách chức người đứng đầu. Luật Di sản nghiêm cấm hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Những người đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà tái phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Những vụ xây dựng trái phép trong các khu danh thắng gần đây cho thấy đủ yếu tố để xử lý hình sự khi chính quyền địa phương phát hiện nhưng các chủ công trình vẫn tiếp tục xây dựng để hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Nếu các vụ xây dựng trái phép này được quan tâm xử lý đến nơi đến chốn, đúng với mức độ và tính chất vi phạm, tôi nghĩ sẽ không có những trường hợp thứ 2, thứ 3 xảy ra.
KTS CAO THÀNH NGHIỆP(Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh)
Không nhân nhượng với sai phạm
Mã Pì Lèng Panorama chỉ là một trong số những công trình đã xâm hại vào danh thắng quốc gia, di sản thiên nhiên trong thời gian qua. Chẳng hạn có rất nhiều ngôi mộ được xây dựng trên núi Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh), vô lý như thế nhưng ban quản lý di tích không có ý kiến gì cả.
Nếu xử lý rốt ráo, dứt điểm một lần thì những hiện tượng xâm phạm di tích sẽ được hạn chế, không tái diễn, giờ các công trình xâm phạm di tích nhiều khi sờ sờ ra đấy nhưng không bị phạt gì cả. Cần phạt thật nặng những công trình xâm phạm di tích, di sản thiên nhiên vì vi phạm Luật Di sản.
Rất nhiều di sản thiên nhiên đã được quốc tế công nhận như vịnh Hạ Long, công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) thời gian qua đã bị xâm phạm nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Luật Di sản đã có quy định rồi, nếu chủ đầu tư công trình trốn tránh địa phương thì phải kiên quyết tháo gỡ.
Đối với những công trình xâm phạm di sản phải phạt nặng, buộc tháo dỡ công trình, khôi phục cảnh quan di sản chứ không thể phạt cho tồn tại. Cơ quan quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn cũng phải chịu trách nhiệm, phải có hình thức kỷ luật phù hợp với các cá nhân, tổ chức liên quan để răn đe hành vi tương tự.
PGS NGUYỄN LÂN CƯỜNG (Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VIệt Nam)
Buông lỏng quản lý vùng di sản
Việc để tồn tại một công trình 7 tầng trong không gian danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng Panorama tồn tại nhiều năm cho thấy việc quản lý không nghiêm vùng di sản của địa phương.
Một công trình lớn, sai phép tồn tại nhiều năm chưa được xử lý là lỗi của UBND huyện Mèo Vạc, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện. Nếu công trình sai phép này nằm ngoài vùng 2 di sản thiên nhiên Mã Pì Lèng, thời gian tới cần bổ sung khu vực này vào quy hoạch vùng đệm di sản để có biện pháp quản lý quy hoạch, góp phần bảo vệ danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng.
TRỊNH LÊ NGUYÊN(Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên)
Cần có biện pháp mạnh mẽ hơn
Thật xấu hổ khi một công trình trái phép lại mọc lên trên Mã Pì Lèng, giữa lòng thiên nhiên như thế này. Đáng buồn là cơ quan chức năng địa phương lại đang muốn hợp thức hóa một công trình đã trái phép ngay từ đầu.
Người ta giận dữ vì công trình trên Mã Pì Lèng gây tổn hại tới danh thắng nổi tiếng này, cũng như phá hủy hệ sinh thái ở đây. Tôi hoàn toàn hiểu được phản ứng của cộng đồng mạng khi cho rằng những công trình kiểu như thế này lẽ ra không bao giờ nên được xây dựng, và cần phải phá hủy đi, hay ít nhất là tẩy chay để người ta không thể trục lợi mà không hề có chút tôn trọng nào đến tự nhiên và luật pháp.
Những công trình trái phép này vừa gây hại môi trường, vừa vi phạm pháp luật. Có luật quy định các công trình xây dựng trong khu vực tự nhiên không? Tôi đoán chắc là có nhưng những quy định đó không được người ta tôn trọng. Theo tôi, những thắng cảnh tự nhiên như Mã Pì Lèng cần được bảo vệ bằng luật pháp mạnh mẽ hơn nữa, cần có biện pháp xử phạt mạnh tay để răn đe và truyền đi thông điệp "anh làm sai và anh phải chịu hậu quả".
RAPHAEL GALUZ(Du khách người Pháp)
"Quốc hữu hóa" công trình để điều chỉnh
Những người đang tuyên bố muốn hợp thức hóa công trình trên Mã Pì Lèng có khả năng là những người đã "lờ" đi việc xây dựng công trình này dù biết là trái phép.
Để "xử lý" công trình này, tôi nghĩ nó nên được quốc hữu hóa như là một hình phạt cho hành vi xây dựng trái phép. Sau khi thay đổi quyền sở hữu, cơ quan chủ quản nên mời kiến trúc sư thiết kế lại, điểu chỉnh và sửa đổi kiến trúc cho công trình này "hòa nhập" với cảnh quan xung quanh. Chi phí cho việc điều chỉnh này nên bắt người chủ ban đầu trả.
Một điều đáng buồn là những chuyện tương tự như thế này lại xuất hiện quá thường xuyên. Nha Trang là một ví dụ. Nếu cơ quan chức năng làm đúng chức trách của mình, những công trình sai phép như thế này đã bị chặn đứng ngay từ đầu, chứ không phải đợi đến bây giờ mới bị phanh phui.
BILL HARANY(Du khách người Canada)
Theo Tuổi trẻ