Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Vốn đã khó khăn, nay chủ các nhà hàng, quán ăn tiếp tục phải "gồng mình" duy trì việc kinh doanh.
Các quán ăn đều bán hàng cho khách mang về, không phục vụ tại chỗ
Ôm lỗ
Sau hơn 1 tháng hoạt động bình thường trở lại thì nay việc kinh doanh của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị gián đoạn do dịch Covid-19 tái bùng phát. Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngày 8.5, UBND tỉnh yêu cầu các quán ăn, nhà hàng không được phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang về và phải bảo đảm các yêu cầu, quy định phòng chống dịch. Trước đó, ngày 5.5, UBND tỉnh cũng yêu cầu quán ăn uống trong chợ, vỉa hè tạm dừng hoạt động. Mặc dù đều đồng thuận với các quy định của tỉnh nhưng nhiều nhà hàng, quán ăn sẽ gặp khó khăn.
Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, quán Hương Đồng (TP Hải Dương) kinh doanh gà tươi luôn nhộn nhịp khách ra vào. Lúc cao điểm trong quán có tới 20 bàn ăn cùng lúc. Nhưng từ khi dịch Covid xuất hiện, lượng khách giảm nhiều. Ngay cả khi UBND tỉnh chưa cấm bán hàng ăn tại chỗ thì lượng khách đến nhà hàng đã giảm mạnh do ý thức phòng dịch của người dân ngày càng nâng cao nên hạn chế tập trung đông người. "Khi dịch chưa bùng phát thu nhập của quán đã giảm, còn hiện nay thu không đủ bù chi. Trước đây trong quán có 20 lao động, nay tôi cho nghỉ hẳn. Hiện chúng tôi chỉ bán mang về, lượng khách ít nên bản thân tôi cũng xuống làm gà, nấu nướng bán cho khách mang về", chủ quán Hương Đồng chia sẻ.
Việc kinh doanh của nhà hàng Lẩu dê Thuận Lan (Kinh Môn) tiếp tục khó khăn khi dịch tái bùng phát. Trước đây mỗi ngày nhà hàng thịt từ 5-6 con dê phục vụ nhu cầu của khách hàng thì nay chỉ thịt 1 con. Dù không có lãi nhưng nhà hàng buộc phải duy trì hoạt động để giữ khách hàng. Khách đến cũng chỉ mua những món nhỏ lẻ chứ không đặt theo mâm như trước. "Nhà hàng vẫn phải trả lương cho người lao động, tiền điện, nước... nhưng thu nhập lại giảm. Nếu dịch kéo dài, chúng tôi khó lòng cầm cự", anh Nguyễn Tiến Sang, quản lý nhà hàng Lẩu dê Thuận Lan nói.
Quán Cafe 34 ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) là địa điểm "check in" lý tưởng cho các bạn trẻ trong khu vực, nhưng dịch Covid-19 lây lan làm cho việc kinh doanh của quán chỉ cầm chừng. Chị Trần Thị Hương, chủ quán Cafe 34 cho biết hiện quán không phục vụ khách tại chỗ mà chỉ bán mang về. Để giảm chi phí, quán cho nhân viên nghỉ làm theo ca, chỉ giữ lại nhân viên pha chế với mức lương 800.000 đồng/ngày. Đây là nhân viên có tay nghề cao, nếu cho nghỉ việc thì sẽ khó thuê lại sau khi dịch qua đi. Hiện lượng khách của quán giảm 2/3 so với trước. Do chỉ bán mang về nên các khoản thu không đủ để trừ các chi phí thuê mặt bằng, nhân công... Quán vẫn lựa chọn hoạt động cầm chừng để giữ lượng khách hàng thân thiết.
Khắc phục khó khăn
Chỉ tính riêng từ Tết Nguyên đán đến nay, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh đã 2 lần chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không đứng im chờ dịch qua đi, một số quán ăn, nhà hàng đã tìm cách thích ứng với những hình thức kinh doanh mới để bảo đảm thu nhập. Một số nhà hàng chung tay chia sẻ khó khăn với người lao động tại quán.
Nỗ lực vượt khó trong đại dịch, chị Hương, chủ quán Cafe 34 quyết định mở các lớp dạy nấu chè trực tuyến thay vì chỉ bán cà phê như trước. Chị Hương chia sẻ: "Do người có nhu cầu học nấu chè tăng cao nên tôi đã mở lớp trực tuyến dạy học. Mỗi học viên thường đăng ký học nấu từ 4 - 5 món chè. Mỗi món chỉ cần học từ 1 - 2 ngày là hoàn thành, học phí 400.000 đồng/món. Học như này hiệu quả và rất an toàn, không lo lây nhiễm dịch bệnh mà vẫn có thu nhập".
Thời điểm này, lượng khách của nhà hàng Hương Đồng đã giảm khoảng 70-80% so với trước. Hiện doanh thu của quán chỉ đủ để chi trả các chi phí tối thiểu như thực phẩm, điện, nước... Dù khó khăn nhưng để giúp đỡ những người lao động đã gắn bó lâu năm với nhà hàng, ngoài trả lương trong những ngày tạm nghỉ, chủ nhà hàng còn hỗ trợ mỗi lao động 500.000 đồng. Số tiền không nhiều nhưng cũng thể hiện sự quan tâm của nhà hàng đối với người lao động.
Bên cạnh những biện pháp khắc phục khó khăn, thời điểm này việc phòng chống dịch bệnh đều được chủ các nhà hàng, quán ăn và khách hàng đặt lên hàng đầu. Mặc dù không bán hàng tại chỗ nhưng ở các nhà hàng, quán ăn đều trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, nhiều quán ăn còn chăng dây để việc giữ khoảng cách được bảo đảm. Việc vệ sinh quán, phun khử khuẩn, đặc biệt là khử khuẩn ở khu vực hay tiếp xúc như tay nắm cửa... được các nhà hàng thực hiện thường xuyên. Nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào cũng được chọn lựa kỹ càng hơn, bảo đảm độ tươi ngon và an toàn. Việc giao hàng cho khách cũng được quan tâm, giữ khoảng cách, hạn chế tối đa tiếp xúc gần. Các nhà hàng, quán ăn cũng có xu hướng lựa chọn những món ăn, đồ uống mới có lượt phản hồi tích cực, thuận tiện cho khách hàng mang về.
Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nên việc các nhà hàng, quán ăn thay đổi để thích ứng với tình hình mới là hết sức cần thiết, góp phần bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
NGỌC TRẦN