Việt Nam đang là “điểm nóng” đầu tư của các công ty điện tử đa quốc gia, trong đó, miền Bắc nhanh chóng trở thành công xưởng của thế giới.
Ngành điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và có triển vọng đầy hứa hẹn trong tương lai.
Hiện Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu sản phẩm điện tử với nhiều chủng loại, từ điện thoại di động, ti vi đến mạch tích hợp.
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng vị trí “quán quân” trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đạt 46,32 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2023, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, lần lượt các năm là: năm 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5%; năm 2022 tăng 9,7% và năm 2023 ước tính tăng 3,2%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%.
Tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của Việt Nam năm 2023 (đạt 57,3 tỷ USD).
Đáng chú ý, sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp điện tử có sự đóng góp của rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), vốn đầu tư nước ngoài thường chiếm từ 80-100% tổng vốn đầu tư của ngành điện tử. Trong khi vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước đều chiếm tỷ trọng nhỏ.
Miền Bắc nổi trội về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 78% số dự án lớn và tổng vốn đầu tư lên tới 81% toàn ngành điện tử tại Việt Nam. Tiếp sau là miền Nam với tỷ trọng 17% số lượng dự án đầu tư. Miền Trung có xu hướng tăng trưởng thu hút vốn nước ngoài trong những năm gần đây, giai đoạn 2013 - 2016 mới chỉ thu hút được 2 – 3% số dự án, thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã lên đến 10% và đang có xu hướng đi lên rõ nét.
Với trọng tâm chính của các chính sách kinh tế, thương mại là ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy và xuất khẩu. Các hiệp định thương mại như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc) 2024 nhận định đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng. Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Đài Loan chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Theo tổng hợp của Tạp chí CommonWealth và Mạng Công nghệ Đài Loan, nhiều công ty điện tử lớn hàng đầu trên thế giới hiện đang tập trung đầu tư tại các khu công nghiệp ở miền bắc Việt Nam, như: Samsung, LG Display, Fuji Xerox, Canon, Meiko, Panasonic, Compal, Foxconn, Pegatron, Goertek, Luxshare, Wistron, Lens, Inventec, Risun, WNC…
Các công ty này chủ yếu đặt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam... Khu vực này được ưa chuộng vì vị trí địa chiến lược, lại tiếp giáp với Trung Quốc, có cơ sở hạ tầng giao thông tuyệt vời và chi phí đất công nghiệp cạnh tranh. Trong đó, miền Bắc dự kiến sẽ nhanh chóng phát triển thành trung tâm sản xuất điện tử chính của Việt Nam, thu hút nhiều công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp hơn.
Các dự án lớn gần đây gồm có: LG Display Hải Phòng (tăng vốn đầu tư 750 triệu USD), Nhà máy công nghệ Fukang Bắc Giang (293 triệu USD) và dự án quang điện JinkoSolar Quảng Ninh (498 triệu USD). Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào các dự án công nghệ cao quy mô lớn trong các lĩnh vực quan trọng như điện tử, chứng tỏ sự ổn định và uy tín của Việt Nam trong thu hút đầu tư toàn cầu.
Trong bảng xếp hạng về mức độ hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 25 (trong tổng số 60 quốc gia). Thứ hạng này đưa Việt Nam vượt lên trên các cường quốc FDI khác ở Đông Nam Á như: Indonesia, Philippines và Thái Lan. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bắt nguồn từ chiến lược giảm tổng chi phí FDI cũng như quy mô thị trường nội địa lớn và sức tiêu thụ mạnh.
Trong số các lựa chọn đầu tư của các công ty Nhật Bản, Việt Nam cũng xếp vị trí đầu. Trong số 122 công ty Nhật Bản được khảo sát, 42,3% doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, vượt xa Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%). Các công ty Nhật Bản đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc không chỉ vì chiến tranh thương mại, mà còn để tránh chi phí đầu vào tăng cao ở thị trường Trung Quốc.
Nhìn chung, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tiềm năng tăng trưởng to lớn.
TB (theo VnEconomy)