Nhà báo: Người "cầm chèo lựa sóng"

20/06/2021 10:31

Nhà thơ Đặng Bá Tiến vốn xuất thân từ một nhà báo, đi nhiều, trải nghiệm nhiều trên lĩnh vực báo chí nên hơn ai hết anh có cái nhìn sâu sắc và bản lĩnh với nghề.

Anh sẽ viết gì?

Những từ ngữ mỹ miều chỉ là bánh vẽ
son phấn ngôn từ rồi sẽ bị rửa trôi
còn lại với thời gian là sự thật
điều nhân dân trân trọng muôn đời!

Anh sẽ viết gì đây khi ngồi trước ngọn đèn?
chỉ có lương tâm mình thẩm vấn
bà mẹ ở quê đôi mắt buồn đờ đẫn
lẽ nào anh viết mẹ cười vui (?!)

Lớp học có nơi học sinh thiếu chỗ ngồi
cô giáo ba tháng rồi lương chậm
anh sẽ tả ngói hồng, dù mái tranh che tạm
hay gióng tiếng chuông thức tỉnh mọi người?

Bài viết của anh sẽ là hạt gạo rơi
để con chim đói mồi tìm nhặt
là miếng bánh đặt vào tay người hành khất
hay chỉ là một thức rác không hơn (?!)

Trước trang giấy trắng tinh nhưng có biển sóng cồn
người cầm bút như cầm chèo lựa sóng!

ĐẶNG BÁ TIẾN

Nhà thơ Đặng Bá Tiến vốn xuất thân từ một nhà báo, đi nhiều, trải nghiệm nhiều trên lĩnh vực báo chí nên hơn ai hết anh có cái nhìn sâu sắc và bản lĩnh với nghề. Từ hiện thực đời sống rộng lớn và phong phú, với tư cách là người cầm bút trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tác giả luôn chất chứa những nỗi niềm tâm sự, những trăn trở và suy tư từ mỗi trang viết. Tất cả cảm xúc ấy được Đặng Bá Tiến thổi hồn và giãi bày cùng thơ ca. Bài thơ “Anh sẽ viết gì?” có lẽ ra đời trong hoàn cảnh ấy, nó như một lời tâm niệm, một nhỏ to với riêng mình và đồng nghiệp trong suốt cuộc đời làm báo, vừa vinh quang nhưng cũng lắm vất vả, nhọc nhằn.

Trước hết, nhan đề bài thơ là một câu hỏi đầy nhức buốt mà sinh thời Bác Hồ cũng đã từng đặt ra cho chính mình trong suốt hành trình vừa hoạt động cách mạng vừa viết báo. Đó là mỗi khi cầm bút, phải luôn đặt ra các câu hỏi “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?” và “Viết như thế nào?”. Hóa ra cái gì có lợi cho dân, cho nước, có lợi cho sự nghiệp chung không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện. Đó chính là tư tưởng và cấu tứ bài thơ “Anh sẽ viết gì?” mà tác giả Đặng Bá Tiến muốn truyền tải thông điệp đến với người đọc chăng? Chúng ta hãy lần theo mạch cảm xúc của thi phẩm để tìm hiểu điều đó.

Khổ thơ mở đầu thể hiện một quan niệm về mục đích  tối thượng của người làm báo. Anh sẽ viết gì để ngôn từ không bị “rửa trôi” và đọng lại với thời gian? Từ ngữ “mỹ miều”, “son phấn” ư? Đó chỉ là “bánh vẽ”, là phù phiếm, là hư ảo. Lời ướm hỏi nhưng mang tính khẳng định ấy xuất phát từ đặc điểm nghề nghiệp - một nghề chữ nghĩa cao quý, được người đời tôn vinh. Nhờ đó, tác giả Đặng Bá Tiến dễ đi đến bày tỏ quan điểm sáng tác của mình: Những từ ngữ mỹ miều chỉ là bánh vẽ/ son phấn ngôn từ rồi sẽ bị rửa trôi/ còn lại với thời gian là sự thật/ điều nhân dân trân trọng muôn đời!

Vâng, chỉ có sự thật mới trường tồn vĩnh cửu trước thời gian. Ngôn từ có hào nhoáng, “mỹ miều”, “son phấn” đến đâu nếu thiếu tấm lòng trung thực sẽ không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Nhân dân chỉ trân trọng sự thật, vì sự thật cất lên tiếng nói của lương tri, công lý ở đời. Sự thật khai mở cho nhiều điều tốt đẹp đến được với con người, bồi đắp khát vọng và niềm tin yêu trong cuộc sống.

Đến khổ thơ thứ 2 và 3, các hình tượng được đưa vào minh chứng thật sống động, gần gũi nên có khả năng thuyết phục người đọc rất lớn: Bà mẹ ở quê, lớp học và hình ảnh cô giáo đứng lớp… Trước thực tế không lấy gì làm vui ấy, nhà báo phải lựa chọn cái gì để viết đây?

Thông qua các hình ảnh cụ thể, sống động ấy, Đặng Bá Tiến đã đi đến khái quát về vai trò và sứ mệnh của người làm báo. Nhà báo mang thiên chức là người dẫn đường thức tỉnh mọi người cùng hướng về chung tay gánh vác, sẻ chia với những khó khăn, gian khổ. Nhà báo ngoài phản ánh mặt tốt, tích cực còn phải thấy cả mặt xấu và tiêu cực để phản biện, đồng thời góp phần điều chỉnh xã hội. Vậy nên, trang báo của anh có thể là hạt gạo, hạt cơm thơm vun đắp cho đời, cũng có thể là “thức rác” không hơn không kém. Giọng điệu ở khổ thơ sau mạnh mẽ, quyết liệt, gần như đay nghiến trước những gì thiếu trung thực, bất công đã có sức lay thức và nhận được sự đồng cảm của nhiều người: Bài viết của anh sẽ là hạt gạo rơi/ để con chim đói mồi tìm nhặt/ là miếng bánh đặt vào tay người hành khất/ hay chỉ là một thức rác không hơn (?!)

Đến hai câu thơ cuối bài, ta bắt gặp hình ảnh thơ vừa đậm chất trí tuệ vừa mang tính biểu cảm sâu sắc. Trước trang giấy phẳng lặng, trắng tinh nhưng có biển sóng cồn, có phong ba bão táp, có thử thách gian nan đòi hỏi người làm báo phải vượt qua: Trước trang giấy trắng tinh nhưng có biển sóng cồn/ người cầm bút như cầm chèo lựa sóng!

Nghệ thuật so sánh người cầm bút giống như người chèo lái con thuyền giữa biển khơi sóng gió thật giàu ý nghĩa. “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, phải vững vàng, tự tin, bản lĩnh; phải biết “lựa sóng” để chèo lái con thuyền cập bến bình yên. Điều đó đòi hỏi nhà báo phải có tâm, có tài, trong sáng, đồng thời giàu tình cảm yêu thương để thấu cảm cùng người. Hai câu kết thực sự đã gói gút tư tưởng của bài thơ, đồng thời là câu trả lời cho nhan đề của thi phẩm “Anh sẽ viết gì?” mà tác giả đặt ra để khai triển tứ thơ.

Bài thơ “Anh sẽ viết gì?” của nhà báo, nhà thơ Đặng Bá Tiến thật nhiều ý nghĩa về nghề báo và trách nhiệm của người làm báo giữa cuộc sống vẫn còn lắm mặt trái từ cơ chế thị trường mang lại. Bằng một loạt câu hỏi tu từ và hình ảnh xuất phát từ thực tiễn đời sống sinh động, tác giả đã bày tỏ nỗi niềm trăn trở, suy tư về thiên chức của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Điều tâm niệm ấy cũng chính là khát vọng về một nền báo chí Việt Nam văn minh, tiến bộ, hội nhập với toàn cầu. Muốn có được điều đó, đất nước cần lắm những nhà báo dám “cầm chèo lựa sóng”.

 LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo: Người "cầm chèo lựa sóng"