Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Báo chí là nghề mãi mãi

21/06/2023 11:00

Với 3 lý do: dân chủ cần báo chí, hội nhập quốc tế cần báo chí và đảng cầm quyền cần báo chí, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp cho rằng báo chí là nghề tồn tại mãi mãi.


Tiến sĩ Lê Doãn Hợp nhấn mạnh nhà báo phải rất am hiểu thực tiễn

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã có buổi nói chuyện chuyên đề "Văn hóa và văn hóa ứng xử của người làm báo" với cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Hải Dương. Những chia sẻ tâm huyết của ông về nghề báo và văn hóa báo chí rất sâu sắc.

Thước đo văn hóa

Theo Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, báo chí Việt Nam đang có 5 thuận lợi mà những người làm báo càng phải gắn bó, yêu lấy nghề. Báo chí nước ta đang phát triển rất nhanh, cả về số lượng, chất lượng, hình thức, đội ngũ, công nghệ. Báo chí Việt Nam đang hội tụ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Báo chí đang góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế. Báo chí tham gia phòng chống tham nhũng và các tiêu cực xã hội. Đặc biệt, báo chí Việt Nam đang trẻ hóa, tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa.

Với kinh nghiệm của một người lâu năm làm quản lý báo chí, hoạt động báo chí, nghiên cứu và quản lý văn hoá, đúc rút từ thực tiễn, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng bày tỏ một vấn đề trăn trở nhất hiện nay với ông là nhiều biểu hiện văn hóa đạo đức xã hội đi xuống. Vì vậy phải quan tâm đến văn hóa đạo đức xã hội, trong đó có vai trò vào cuộc của báo chí.

Ông nhớ lại, trong một Hội nghị tổng kết ngành văn hóa-thông tin, rất nhiều đại biểu đặt vấn đề “thế nào là một người có văn hóa và nên xây dựng các tiêu chí nào để xác định một người có văn hóa?”. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành văn hóa-thông tin, ông đã đưa ra 3 thước đo để xác định một người có văn hóa. Đó là văn hóa ứng xử, văn hóa trí tuệ và văn hóa vật chất.

Theo nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, người có văn hóa ứng xử tốt là khi đi đâu, xuất hiện ở đâu cũng làm cho mọi người cảm thấy dễ chịu. Từ văn hóa ứng xử cần nâng lên văn hóa trí tuệ. "Người có văn hóa trí tuệ khi mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái, nhưng khi chia tay thì mong ngày gặp lại", ông nói.

Thước đo thứ ba, văn hóa vật chất, theo nguyên Bộ trưởng, người có văn hoá là người luôn hưởng thụ bằng thành quả lao động của chính mình.

Phải giữ được thẻ nhà báo

Từ những trăn trở về đạo đức văn hóa xã hội, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định mối quan hệ "đức và tài" chính là nền tảng của văn hóa. Từ cổ chí kim cho đến mai sau thì tiêu chuẩn cán bộ vẫn là hai chữ "đức và tài".

"Tôi khuyên các nhà báo nếu có chí phải chịu đọc sách và nên đọc 3 loại sách. Một là sách danh nhân. Hai là các loại sách lịch sử mà trước hết là lịch sử dân tộc Việt Nam, mà nếu học Bác Hồ thì đọc lịch sử tất cả các nước có liên quan. Thứ ba là các sách liên quan đến kinh tế, chính trị gắn với triết học để viết cho nó chuẩn", ông dành lời khuyên cho các nhà báo.

Với Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, trong thời đại 4.0, đức và tài phải được coi trọng như nhau, trong đức phải có tài, trong tài phải có đức, đã là một người thì phải có đức, là cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên thì càng phải có tài.


Tiến sĩ Lê Doãn Hợp trao đổi với cán bộ, phóng viên Báo Hải Dương

Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định nghề báo là nghề mãi mãi. Theo ông, có 3 lý do khẳng định điều này. Thứ nhất, dân chủ phải cần báo chí, báo chí là dân chủ đẳng cấp, báo chí là dân chủ trí tuệ, dân chủ nói chung phải có báo chí dẫn dắt, dẫn đường. Thứ hai, hội nhập quốc tế mãi mãi cần báo chí, báo chí vừa mở đường vừa kết thúc, vừa tìm bài học, vừa tìm nguyên nhân. Thứ ba, tất cả các đảng cầm quyền đều cần báo chí, báo chí là công cụ, không phải là lãnh đạo mà còn là quản lý cả vi mô, cả vĩ mô.

Ông nhấn mạnh nhà báo "viết thế nào thì viết nhưng phải giữ được cái thẻ nhà báo, nếu mất thẻ là mất nghề". Nhà báo viết với mục tiêu là để dân thích nhưng phải phù hợp với mong muốn của Đảng, với Báo Hải Dương phải cân nhắc mình là báo Đảng. Đặc biệt, nhà báo phải giữ được "nhạy cảm chính trị" trong nghề nghiệp. Nhà báo là một nhà chính trị, chứ không phải là nhà chuyên môn đơn thuần. Nói và làm gì mới thể hiện được bản lĩnh chính trị? Lợi ích của mình chính là lợi ích của tỉnh Hải Dương, lợi ích của nhân dân. Cho nên nhà báo phải rất am hiểu thực tiễn, cái gì chắc thì viết, không chắc thì đừng viết. Nhạy cảm chính trị cũng chính là văn hóa làm báo.

NGÂN HẠNH (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: Báo chí là nghề mãi mãi