Nguy cơ ''thủng lưới'' nơi ''phòng tuyến cuối cùng’'

08/01/2021 12:21

Một số sự cố xảy ra gần đây tại các khu cách ly tập trung COVID-19 cho thấy nếu không siết chặt công tác quản lý thì khả năng lây lan bệnh dịch từ “phòng tuyến sân nhà” là điều rất có thể sẽ xảy ra.


Bệnh viện dã chiến phục vụ công tác thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 5.1, Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn, kỷ luật một Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện do sai phạm, và ra văn bản rà soát, chấn chỉnh các cơ sở cách ly để siết chặt công tác phòng dịch COVID-19.

Hàng loạt biện pháp được triển khai, để xử lý kịp thời vụ việc tại huyện Chương Mỹ, bởi Trung tâm y tế của huyện này đã để “lọt” một ca mắc COVID-19 ra cộng đồng. Khi nhận lại mẫu xét nghiệm, dù chưa có kết quả của 5 trường hợp nghi ngờ dương tính, nhưng Trung tâm Y tế huyện đã ký giấy hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho tất cả các ca, trong đó có ca dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân Đ.T.N (22 tuổi, du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam; quê ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Bệnh nhân này sau đó về Quảng Ninh và tiếp xúc với một số người.

Trước đó, vào cuối tháng 11.2020, một nam tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) là bệnh nhân (BN) 1342 khi cách ly tập trung đã vi phạm quy định, tự ý đi sang khu vực cách ly của tổ bay khác, nơi có người sau này được xác định dương tính (BN 1325). Nam tiếp viên này sau đó đã làm lây bệnh cho một số người, trong đó có BN 1347, khiến guồng máy phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh phải căng hết công suất để truy vết, ngăn ngừa lây lan.

Như vậy là trong vòng hơn 1 tháng, hai sự việc liên tiếp xảy ra, đều bắt nguồn từ những sai sót tưởng như rất nhỏ. Sự chủ quan, lơ là của một vài cá nhân dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh dịch trên diện rộng, đe dọa phá vỡ sự bình yên của cộng đồng, phá hỏng kết quả công cuộc phòng chống dịch bệnh của các địa phương và cả đất nước.

Trong tình hình diễn biến bệnh dịch vẫn hết sức căng thẳng trên thế giới và khu vực, nhất là khi các biến chủng mới của COVID-19 đã xuất hiện, ngành y tế và toàn quân, toàn dân ta đã và đang đổ rất nhiều công sức để phòng chống dich bệnh, đảm bảo môi trường an toàn cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Nơi biên giới, các chiến sĩ ngày đêm canh giữ, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, không để xảy ra tình trạng dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Các “phòng tuyến” đã và đang cống hiến hết sức mình cho công cuộc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh. Vì vậy, tại các điểm cách ly, nơi đón tiếp, sàng lọc, chăm sóc những trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có nhiều quốc gia đang là điểm nóng về dịch bệnh, chính là những “tiền đồn” trọng yếu. Chỉ một phút giây lơ là, một hành vi mất cảnh giác… ở “tuyến phòng thủ” này, rất có thể sẽ là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ công sức của cả cộng đồng.

Hiện nay, ngành y tế và các địa phương đều đã có các văn bản quy định về cách ly y tế phòng dịch COVID-19. Về văn bản pháp luật, có Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và một số điều của Bộ luật Hình sự. Để xảy ra những sự cố dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh ra công đồng trong thời gian qua, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đều đã bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, không chỉ địa phương, đơn vị để xảy ra những vụ việc này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh xử lý các cá nhân và tổ chức vi phạm, mà ngay lúc này, toàn bộ hệ thống các cơ sở cách ly (cách ly tập trung, cách ly tự nguyện có thu phí và cả các địa bàn có người cách ly tại nhà…) phải rà soát lại các quy trình, xem xét từng công đoạn tác nghiệp, tăng cường kỹ năng cho những người làm việc trực tiếp và xác định trách nhiệm cho mỗi cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu. Mỗi điểm cách ly phải trở nên tuyệt đối tin cậy như phòng tuyến cuối cùng; mỗi cá nhân, mỗi công đoạn... phải bảo đảm không một giây lơ là, mất cảnh giác

Hiện nay, trên toàn quốc, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là trên 19.000; trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 153 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 17.396 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.843 người. Mỗi trường hợp phải được bảo đảm cách ly theo đúng quy định, vừa nhằm bảo vệ sức khỏe cho cá nhân người đi cách ly, vừa bảo vệ thành quả chống dịch của cả cộng đồng. Thực hiện được điều này, cùng với các “phòng tuyến” nơi biên giới, trong các cơ sở y tế và cộng đồng, chúng ta mới có thể giữ vững được “thành trì an toàn” trong cơn bão dịch bệnh, giữ bình yên cho cuộc sống người dân, là cơ sở để đất nước hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

THÙY HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ ''thủng lưới'' nơi ''phòng tuyến cuối cùng’'