Đồ chơi nhựa, thỏi son môi, thuốc cam (được nhiều mẹ dùng chữa tưa lưỡi ở trẻ em), thuốc Đông y không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến ngộ độc kim loại nặng.
Đã có không ít trường hợp người bệnh nhập viện do ngộ độc chì, ngộ độc thiếc, thủy ngân từ những vật dụng hàng ngày, hoặc những bài thuốc quen thuộc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chì là một trong 10 kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhi 1 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi. Gia đình cho biết khoảng hai ngày trước khi nhập viện, trẻ sốt cao kèm theo ho, quanh miệng có đốm trắng… Nghĩ rằng trẻ bị cảm nên gia đình đã mua thuốc cam (bột đỏ) rơ lưỡi cho trẻ ngày ba lần trong suốt bốn ngày.
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm của trẻ cho thấy chỉ số men gan tăng cao, lượng chì trong máu: 226.5 µg/dl cao gấp nhiều lần mức cho phép. Trẻ được chẩn đoán nhiễm độc chì nặng và được chuyển tuyến để tiếp tục điều trị. Trước đó, các bác sĩ đã từng nhiều lần cảnh báo về tình trạng ngộ độc chì từ bài thuốc y học cổ truyền.
Theo các chuyên gia, trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vì trẻ em hấp thụ chì nhiều hơn từ 4 - 5 lần so người lớn. Hơn nữa, sự tò mò bẩm sinh của trẻ em và hành vi đưa tay vào miệng dẫn đến việc trẻ nuốt những thứ bị nhiễm chì, như đất, bụi bị ô nhiễm chì và mảnh mục nát của sơn có chứa chì.
TS Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo chì có thể có trong đồ chơi trẻ em sử dụng sơn màu, hoặc có trong chất liệu nhựa làm đồ chơi. Nhựa càng có màu sắc sặc sỡ thì nguy cơ chứa chì càng cao.
"Chì chứa trong các vật dụng không nhận biết được bằng mắt thường vì không có mùi. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong giai đoạn mầm non thường hiếu động, nhiều trẻ có thói quen ngậm, cắn đồ chơi, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc chì ở trẻ. Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ ngộ độc chì cần chú ý lựa chọn đồ chơi, sơn, màu… đảm bảo chất lượng an toàn", bác sĩ Nguyên cho hay.
Bác sĩ Nguyên thông tin thêm biểu hiện ngộ độc chì có thể giống với nhiều bệnh lý khác. Trường hợp nặng có thể hôn mê, co giật giống như viêm màng não, viêm não, hoặc thiếu máu không rõ nguyên nhân, hoặc chậm phát triển thể chất, tinh thần giống các bệnh về thần kinh, tâm thần…
"Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ngộ độc chì chỉ biểu hiện ở mức độ kín đáo, khó có thể phát hiện bằng các triệu chứng lâm sàng bình thường, chỉ xác định khi dùng phương pháp xét nghiệm chì trong máu. Vì vậy, trong trường hợp người dân đã sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc, làm nghề sửa chữa bình ắc quy, khai thác quặng chì, thiếc… nên chủ động kiểm tra để phát hiện sớm", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Những năm gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng suy gan cấp, vàng da, sạm da, viêm ruột cấp tính, thậm chí tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, lơ mơ, hôn mê, tổn thương tim, hệ hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Đáng nói, những bệnh nhân này trước đó đều có tiền sử khỏe mạnh, không có các bệnh lý nào liên quan.
Bác sĩ Doãn Uyên Vy - phụ trách phòng khám chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đa phần những bệnh nhân nhập viện trên đều có sử dụng thuốc Đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ…
Theo bác sĩ Vy, trong 20 năm nay, đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận thuốc Đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài. Trong các sách Đông y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm… Những vị thuốc này có nguồn gốc từ đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân.
Do thuốc Đông y thường được tự pha chế thủ công, hoặc dù được đóng gói hiện đại thì liều lượng cũng thường không đồng đều ở các viên thuốc. Thậm chí, có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10 - 30 lần so với liều trong sách thuốc Đông y hướng dẫn.
Người bệnh sử dụng những loại thuốc Đông y này lâu dài sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc từ các kim loại nặng độc hại. Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh.
"Thuốc Tây y hay thuốc Đông y đều có những độc dược dùng để trị bệnh, khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép, sử dụng trong thời gian rất ngắn và phải theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân tùy tiện sử dụng và sử dụng trong thời gian kéo dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ dần các chất độc trong mô, cơ quan, làm tổn thương các mô, cơ quan, hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng. Đó chính là bệnh nhiễm độc do thuốc gây ra", bác sĩ Vy khuyến cáo.
Trong báo cáo đầu tiên về tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em do UNICEF và Pure Earth công bố năm 2020 cho biết gần 1/3 trẻ em, tức khoảng 800 triệu trẻ trên toàn thế giới có mức chì bằng hoặc nhiều hơn 5 microgam/deciliter (µg/dl) máu, đây là mức độ đáng báo động cần phải can thiệp. Trong đó, gần một nửa số trẻ em bị nhiễm độc đang sống ở Nam Á.
WHO cũng khuyến cáo các sản phẩm có chứa chì bao gồm bột màu, sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức, đồ chơi; một số mỹ phẩm; các loại thuốc truyền thống được sử dụng ở các nước như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam.
Theo Tuổi trẻ