Nguy cơ khó lường khi căng thẳng thương mại Mỹ-Pháp leo thang

04/12/2019 16:54

Mỹ vừa cảnh báo sẽ đáp trả thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) của Pháp nhằm vào các tập đoàn công nghệ của Mỹ mà Washington cho là phân biệt đối xử.

Động thái này khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Pháp tiếp tục leo thang và được dự báo sẽ gây ra những nguy cơ khó lường.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Donald Trump

DST - nguyên nhân gây căng thẳng thương mại

Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính Pháp công bố kế hoạch đánh thuế DST ở mức 3% tổng doanh thu hằng năm tại Pháp của các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và quy định này chỉ áp dụng với các công ty công nghệ lớn nhất.

Khi Pháp thực hiện kế hoạch đánh thuế DST, nguồn thu ngân sách quốc gia châu Âu này có thể được bổ sung thêm 500 triệu euro (563 triệu USD)/năm. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết đây là "bước đi hướng tới một mức thuế công bằng và hiệu quả hơn cho thế kỷ 21".

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire, "không thể chấp nhận" việc các "gã khổng lồ" kỹ thuật số thu những khoản lợi nhuận kếch xù từ việc sử dụng dữ liệu, mà lợi nhuận này được tạo ra tại Pháp, trong khi thuế lại được áp dụng ở nước khác.

Kế hoạch đánh thuế DST của Pháp sẽ ảnh hưởng tới khoảng 30 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty Mỹ, ngoài ra có cả Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha... Ông cũng tuyên bố Pháp rất tự hào là nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế này.

Kế hoạch trên được Bộ Tài chính Pháp công bố sau khi các nước Liên minh châu Âu (EU) không đạt được một sự thống nhất về việc áp thuế đối với các tập đoàn kỹ thuật số. Trước đó, ý tưởng của EU là các quốc gia thành viên cùng hành động thì sẽ hiệu quả hơn mỗi quốc gia hành động đơn phương.

Tuy nhiên, ý tưởng này chưa thành hiện thực do sự quan ngại của một số quốc gia có mức thuế suất thấp, nơi rất nhiều các công ty kỹ thuật số đang hoạt động, cũng như quan ngại về việc thuế mới có thể khiến Mỹ đánh thuế tương xứng đối với các công ty châu Âu có hoạt động tại Mỹ.

Ngày 8.4, với 55 phiếu thuận 4 phiếu chống, 5 phiếu trắng, Quốc hội Pháp đã thông qua một luật thuế mới, gọi là GAFA, đánh vào các "gã khổng lồ" kỹ thuật số của Mỹ, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Cái tên GAFA muốn nói luật thuế đánh vào các công ty như Google, Amazon, Facebook và Apple.

Đến ngày 10.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị mở cuộc điều tra về kế hoạch của Pháp đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các công ty công nghệ mà nếu được áp dụng, các doanh nghiệp Mỹ sẽ là đối tượng chịu tổn thất đặc biệt lớn. Những cuộc điều tra như vậy là tiền đề để Mỹ căn cứ vào đó, áp đặt các biện pháp thuế trả đáp trả hoặc hạn chế thương mại đối với các đối tác.

Trong thông báo mở cuộc điều tra, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nêu rõ, Washington đặc biệt quan ngại kế hoạch thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Quốc hội Pháp thông qua, gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ như Google, Appple Inc, Facebook Inc hay Amazon.com Inc. Theo Đại diện Thương mại Mỹ, kế hoạch đánh thuế DST sẽ tác động tới các tập đoàn công nghệ lớn có tổng doanh thu toàn cầu hằng năm ít nhất 750 triệu euro (844 triệu USD) và 25 triệu euro riêng tại Pháp.

Cuộc điều tra được tiến hành theo Đạo luật 301 của Mỹ, theo đó ông Lighthizer trong 1 năm sẽ tiến hành điều tra làm rõ kế hoạch thuế của Pháp có gây tổn hại đến các công ty công nghệ của Mỹ hay không, cũng như xác định có bất cứ hoạt động thương mại không công bằng nào hay không.

Ông Lighthizer khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) để đạt được một thỏa thuận đa phương giải quyết những thách thức đối với hệ thống thuế quốc tế phát sinh do kinh tế toàn cầu kỹ thuật số đang trên đà tăng trưởng nhanh.

Căng thẳng thương mại Pháp-Mỹ có phần lắng dịu khi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở TP Biarritz, Tây Nam nước Pháp, vào tháng 8 vừa qua, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Pháp đã nhất trí rằng Paris sẽ bãi bỏ thuế kỹ thuật số của nước này một khi luật quốc tế được áp dụng.

Tuy nhiên, sau khi mở cuộc điều tra chính sách, ngày 27.11, các quan chức thương mại Mỹ thông báo, Washington sẽ có phản ứng chính thức về việc Pháp đánh thuế công nghệ kỹ thuật số đối với các hãng công nghệ lớn của Mỹ vào ngày 2.12. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa đưa mặt hàng rượu vang của Pháp vào tầm ngắm "đáp trả thuế" nếu Paris quyết định thực hiện chính sách đánh thuế DST.

Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng nếu Mỹ áp đặt trừng phạt Pháp để đáp trả việc Paris đánh thuế công nghệ đối với các hãng internet lớn thì đó sẽ là hành động "khó hiểu".

Căng thẳng thương mại leo thang  

Ngày 2.12, chính phủ Mỹ thông báo đánh thuế lên tới 100% đối với lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp để trả đũa việc Paris đánh thuế DST 3% doanh thu đối với các công ty công nghệ có doanh thu trên 25 triệu euro (27,86 triệu USD) tại thị trường Pháp và 750 triệu USD (830 triệu USD) trên toàn cầu.

Rượu sâm panh, rượu vang sủi, túi xách, sữa chua và phô mai Roquefort của Pháp nằm trong danh sách hàng hóa có thể bị áp thuế ngay vào giữa tháng 1.2020 sau khi báo cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng DST mà Pháp đánh vào các tập đoàn công nghệ của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon là không công bằng.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ tuyên bố kết quả điều ra cho thấy thuế DST của Pháp không phù hợp với các nguyên tắc phổ biến vế chính sách thuế quốc tế, gây ra gánh nặng lớn đối với các tập đoàn công nghệ của Mỹ bị ảnh hưởng như Google, Apple, Facebook và Amazon. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dự kiến sẽ lấy ý kiến công chúng về việc áp thuế lên tới 100% đối với hàng hóa của Pháp và khả năng tính phí hoặc hạn chế đối với các dịch vụ của nước này. Ngày cuối cùng tiếp nhận ý kiến là 14-1 tới và nhanh chóng thực hiện các bước tiếp theo.

Sau khi chính phủ Mỹ thông báo đánh thuế lên tới 100% đối với lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp để trả đũa việc Paris đánh thuế DST, ngày 3.12, các bộ trưởng Pháp và EU sẵn sàng đáp trả quyết định của Mỹ.

Phát biểu với đài Radio Classique, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng những đe dọa áp thuế mới nhất của Mỹ đối với các sản phẩm của Pháp là "không thể chấp nhận". Ông nhấn mạnh: "Trong trường hợp Mỹ áp các lệnh trừng phạt mới, EU sẽ sẵn sàng đáp trả". Thứ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher tuyên bố Pháp sẽ "đối đầu" với những đe dọa áp thuế mới nhất của Mỹ đối với sản phẩm Pháp. Phát biểu với đài Sud Radio, ông Pannier-Runacher đồng thời khẳng định Pháp sẽ không rút lại kế hoạch đánh thuế DST của nước này.

Về phía EU, EU khẳng định sẽ đoàn kết đáp trả những lời đe dọa của Mỹ về việc áp thuế với các sản phẩm của Pháp đồng thời kêu gọi Washington đối thoại. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Daniel Rosario khẳng định EU luôn hành động và phản ứng một cách thống nhất và đoàn kết trong mọi vấn đề liên quan tới thương mại. Theo ông Rosario, EC - cơ quan xử lý các vấn đề thương mại của EU, đang phối hợp chặt chẽ với giới chức Pháp để chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo. Người phát ngôn EC cũng khuyến khích đối thoại đồng thời lưu ý Washington đã để ngỏ một số phương án trong đó có việc đưa vấn đề lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Trước hết, EU sẽ hướng tới các cuộc thảo luận trực tiếp với Mỹ về cách thức giải quyết vấn đề.

EU tái khẳng định cam kết cùng hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề thuế kỹ thuật số đang là tâm điểm tranh cãi giữa Mỹ và Pháp. Người phát ngôn EC khẳng định, liên minh này đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để đạt mục tiêu và đạt những tiến triển đáng khích lệ. OECD mới đây đã đưa ra một số đề xuất sơ bộ về một cách thức tiếp cận chung trong việc đánh thuế các công ty công nghệ lớn trên thế giới với hy vọng đạt thỏa thuận vào năm tới.

Trong khi đó, trong một cuộc họp với lãnh đạo của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Anh ngày 3-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron sẽ thảo luận về nhiều vấn đề trong đó có NATO cũng như thương mại. Ông Trump cho rằng hai bên có "mâu thuẫn nhỏ" về thương mại nhưng có thể sẽ giải quyết được. Tổng thống Mỹ chắc chắn vấn đề sẽ "sáng sủa" hơn trong thời gian ngắn và cuối cùng hai bên sẽ có thể giải quyết như thường lệ.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì Mỹ sẽ áp những mức thuế "đáng kể" với hàng hóa Pháp. Ông Trump khẳng định Mỹ đã đánh thuế rượu của Pháp và đang lên kế hoạch áp một số loại thuế khác. Dù không muốn nhưng đó sẽ là cách mà Mỹ sẽ làm.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron bày tỏ hy vọng các mâu thuẫn thương mại và kinh tế với Mỹ sẽ được giải quyết. Nhà lãnh đạo Pháp tin tưởng có thể thảo luận với người đồng cấp Mỹ về vấn đề này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh kiên quyết bảo vệ quyền lợi của Pháp và EU.

Nguy cơ khó lường

Trước sự căng thẳng thương mại Mỹ-Pháp ngày một leo thang, các chuyên gia nhận định sự căng thẳng này sẽ dẫn đến những nguy cơ khó lường.

Biện pháp trả đũa mới của Mỹ ngay lập tức đã gây tác động tiêu cực đến ngành xa xỉ phẩm tại Pháp. Các cổ phiếu xa xỉ phẩm hàng đầu gồm LVMH, Kering và Hermes đã giảm từ 1,4% đến 1,5% trong phiên giao dịch sáng 3.12. Giám đốc quỹ đầu tư Clairinvest, Ion-Marc Valahu, nhận định ngành xa xỉ phẩm đang đứng trước rủi ro quá lớn sau khi đã chịu nhiều thiệt hại do tình hình bất ổn tại Hong Kong.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn rượu vang để áp thuế, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào xuất khẩu của Pháp, khi đến nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Pháp. Nhìn lại năm 2018, lượng rượu vang Pháp xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới khoảng 1/4 tổng lượng rượu vang xuất khẩu của nước này, tương đương khoảng 3,6 tỷ USD.

Cũng theo giới chuyên gia, Pháp là một thành viên của EU nên việc chính quyền Tổng thống Trump trả đũa Pháp chắc chắn cũng sẽ khiến toàn bộ các nước thành viên EU rơi vào một cuộc tranh chấp thương mại mới. Đặc biệt, trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ với EU gia tăng trong thời gian gần đây, những động thái trên cũng báo hiệu một thời kỳ căng thẳng thương mại mới trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Hơn nữa, vì Mỹ và EU đều là những nền kinh tế có ảnh hưởng lớn nên cuộc xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn chắc chắn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, đối với kế hoạch đánh thuế DST, vốn là nguyên nhân gây căng thẳng thương mại Mỹ-Pháp, không chỉ có các nước châu Âu, các nước châu Á cũng muốn đánh thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ, trong đó có các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Điều đó khiến Mỹ có thể có các biện pháp đáp trả. Và như vậy, căng thẳng thương mại là điều khó tránh khỏi.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ khó lường khi căng thẳng thương mại Mỹ-Pháp leo thang