Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã xác nhận ý định của Tổng thống Emmanuel Macron lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Pretoria ngày 22.6 sau cuộc gặp với người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor, Bộ trưởng Colonna cho biết Pháp đã đề nghị nước chủ nhà Nam Phi gửi lời mời chính thức để Tổng thống Macron có thể tham dự hội nghị BRICS vào tháng 8 tới với tư cách là quan sát viên. Nếu được chấp thuận, Pháp sẽ là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham dự hội nghị do BRICS tổ chức.
"Tôi đã thông báo cho đối tác... về sự sẵn sàng và quan tâm của Tổng thống trong việc theo đuổi đối thoại mà Pháp duy trì với BRICS", bà Colonna nhấn mạnh.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS sẽ được tổ chức tại Johannesburg từ ngày 22 đến 24.8.
Ngoại trưởng Colonna khẳng định "đối thoại luôn tích cực và ngay cả khi không đạt được sự đồng thuận về mọi vấn đề thì vẫn tìm mọi cách đối thoại để tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nam Phi Pandor tin rằng sự tham gia của Pháp sẽ là một "sự đổi mới trong mô hình tham gia BRICS hiện tại", đồng thời là cơ hội để "khuếch đại phạm vi toàn cầu của diễn đàn BRICS".
Tuy nhiên, bà Pandor cho biết quyết định này tùy thuộc vào Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối.
Trong cuộc điện đàm với ông Ramaphosa hồi đầu tháng này, ông Macron được cho là đã đề cập đến khả năng nhận được lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg. Ông Ramaphosa dự kiến sẽ tới Paris vào cuối tuần này để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới vào ngày 22 và 23.6.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Một số quốc gia khác đã bày tỏ ý định gia nhập khối, bao gồm Argentina, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập.
BRICS chiếm 18% thương mại hàng hóa toàn cầu, 25% đầu tư nước ngoài và nắm giữ 23% nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, 5 quốc gia thành viên của nhóm đã hình thành nên một lực lượng quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Theo Báo Tin tức