Gần 1 năm qua, dịch Covid-19 đã cho thấy rõ sự nguy hiểm và khó lường, phá vỡ mọi quy luật thông thường về dịch bệnh.
Nhiều nước vừa mới tuyên bố khống chế thành công đại dịch, nếu chủ quan một chút, thì sẽ lại rơi vào một vòng xoáy mới, một làn sóng mới, thậm chí thiệt hại hơn nhiều lần. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị Covid-19 tấn công tới 2-3 lần.
Ngày 28.10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã báo cáo hơn 2 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 mới được xác nhận trong chỉ 1 tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu. Nhiều quốc gia từng chống dịch hiệu quả thì nay đang lần lượt ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trở lại.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia thành công khi đương đầu với hai đợt dịch Covid-19 kể từ đầu năm đến nay. Bạn bè và dư luận quốc tế đánh giá nước ta là một điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19. Tạp chí Borgen (thuộc dự án Borgen - một trong những tổ chức phi chính phủ hàng đầu về chống đói nghèo của Mỹ) vừa có bài viết cho rằng thành quả mà Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19 tới thời điểm này là nhờ Chính phủ phản ứng kịp thời, người dân đoàn kết, ủng hộ, cũng như nhờ sớm đưa ra chiến lược xét nghiệm cho phép truy vết các ca bệnh. Đó là đánh giá công tâm và xứng đáng.
Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Việc chủ quan, mất cảnh giác, lơ là các biện pháp phòng chống dịch sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường. Trên thực tế, nguy cơ bùng phát dịch trở lại là rất cao và hiện hữu, do nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh các nước khu vực và thế giới đang chao đảo với làn sóng dịch Covid-19 mới, rủi ro sẽ tăng lên cho Việt Nam khi số lượng người nhập cảnh tăng lên. Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập và tấn công từ bên ngoài vào trong nước là không thể loại trừ.
Nguy cơ dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và dịch bệnh đang bùng phát trở lại trên thế giới. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 ngày 19.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành, các cấp, mọi người dân không được chủ quan trong mọi trường hợp, phải nghiêm túc và có trách nhiệm cao thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tiếp tục quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó có phương án thần tốc thực hiện việc khoanh vùng, truy vết khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn.
Thời điểm này, Việt Nam đã đưa cuộc sống trở lại nhịp sống bình thường mới, thế nhưng tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân đang lan tràn. Nhiều người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không thực hiện theo khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Sự chủ quan đó hết sức nguy hiểm. Ngày 24.10, Bộ Giao thông vận tải có văn bản hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ, các Cục Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thuỷ nội địa Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải… yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng.
Đối mặt với “giặc Covid-19”, trong sâu thẳm không một người Việt Nam nào muốn phải “ra trận” thêm lần nữa. Để làm được điều đó, ý thức của mỗi công dân đóng vai trò hết sức quan trọng, mà trước hết là thể hiện qua việc ủng hộ và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
TRẦN THANH TUẤN