Gia đình

Người Việt sinh con năm nào nhiều nhất?

T.T (theo báo VnExpress) 14/03/2024 09:00

Các gia đình ở thành thị thường có xu hướng sinh nhiều con hơn so với vùng nông thôn vào những "năm đẹp" và quan tâm cả can, chi theo tử vi.

Bé Trương Nhã An, một trong 5 công dân tuổi Rồng đầu tiên, cùng ba mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM. Ảnh: Thi Quân.

Bé Trương Nhã An, một trong 5 công dân tuổi rồng đầu tiên, cùng ba mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thi Quân

Giáp Thìn 2024 được các nước châu Á sử dụng âm lịch quan niệm là năm tốt để sinh con. Tại Việt Nam, 3 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn đầu năm, cả nước đã đón 7.680 em bé chào đời, tăng 9,6% so với cùng kỳ, theo thống kê của Bộ Y tế. Hai tháng qua, nhiều bệnh viện phụ sản ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ghi nhận số người đến khám thai, đăng ký sinh con tăng.

"Chọn năm tốt theo tử vi để sinh con là hiện tượng rõ ràng tại Việt Nam", TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, đánh giá.

Rồng đại diện cho quyền lực, sức mạnh, là loài vật thần thoại duy nhất trong 12 con giáp. Nhiều cặp vợ chồng lên kế hoạch sinh con năm này vì tin rằng đứa trẻ sẽ dễ gặp may mắn, thành công trong đời.

TS. Tùng cùng TS. Đỗ Quý Toàn (Ngân hàng Thế giới) từng công bố nghiên cứu cho thấy vào những "năm đẹp", số trẻ em sinh ra nhiều hơn 12% so với mức trung bình, dựa trên dữ liệu dân số giai đoạn 1977-1998.

Có tất cả 60 năm trong âm lịch, trong đó mỗi con giáp (chi) kết hợp với 5 can. Trích dẫn các sách về tử vi, nhóm tác giả nghiên cứu cho biết một năm được xem là đẹp cho việc sinh con hay không phụ thuộc vào cả can và chi. Ví dụ, năm Thìn đi với các can Nhâm và Giáp, được xem là đẹp; Canh, Bính, Mậu thì bình thường. Trong khi, hầu hết năm bắt đầu bằng can Đinh, Nhâm, Quý đều được coi là tốt, dù kết hợp với con giáp nào.

"Săn" con tuổi rồng trở thành "cơn sốt" không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều nước châu Á, phổ biến như Trung Quốc và Singapore. Tổng tỷ suất sinh (số trẻ em sinh ra trên số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản) vào các năm 2000 (Canh Thìn) và 2012 (Nhâm Thìn) của cả hai nước đều tăng mạnh, rồi giảm ngay năm kế tiếp.

Số liệu công bố trực tuyến của Tổng cục Thống kê về tổng tỷ suất sinh (TFR) từ năm 1999 đến nay, cho thấy thêm, người Việt không chỉ quan tâm tuổi rồng như hai quốc gia trên. Năm 2012, mức sinh của Việt Nam tăng, nhưng cũng giảm vào năm 2000.

"Người Việt có xu hướng quan tâm đến cả can chi, chứ không chỉ riêng con giáp khi chọn năm đẹp, như câu ‘Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài’ từ ngày xưa", TS Tùng nhận xét.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê, số liệu TFR hàng năm phản ánh mức sinh thực tế từ ngày 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau. Nguyên nhân là các cuộc điều tra dân số thường niên đều lấy ngày 1/4 làm mốc để bắt đầu chu kỳ dữ liệu.

Như vậy, dữ liệu TFR năm 2004 - năm có tỷ lệ sinh tăng đột biến, thực chất phản ánh mức sinh năm 2003 (năm Quý Mùi) - giai đoạn có nhiều trẻ được sinh ra nhất trong 22 năm qua. Đây được quan niệm là năm "dê vàng", mang lại may mắn cho cả bé trai và gái. Nguyên nhân "năm đẹp" cũng được sử dụng để lý giải mức sinh cao bất thường nói trên trong nghiên cứu của Tổng cục Thống kê sau cuộc Tổng điều tra dân số 2009.

Ngoài ra, 2003 cũng là năm Pháp lệnh dân số ra đời, quy định cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với hoàn cảnh. Nội dung này được cho là khiến người dân hiểu lầm chủ trương của Nhà nước về chính sách "kế hoạch hóa gia đình" - mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con, đã thay đổi. Nhà chức trách sau đó phải ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết pháp lệnh, tiếp tục tuyên truyền mạnh chính sách mỗi gia đình dừng lại ở 2 con.

Hiện tượng mức sinh cao vào "năm đẹp" thường xuất hiện ở khu vực thành thị nhiều hơn nông thôn. Theo TS. Phùng Đức Tùng, nguyên nhân có thể do các gia đình ở đô thị tiếp cận thông tin về tử vi dễ dàng, cũng như lên kế hoạch cẩn thận hơn cho việc có con. Kết quả nghiên cứu của ông và cộng sự cũng phát hiện, nhóm phụ nữ có học vấn càng cao, tỷ lệ chọn năm sinh con càng lớn.

Dữ liệu TFR 20 năm qua cũng cho thấy khu vực thành thị có biến động mức sinh vào "năm đẹp" nhiều hơn so với nông thôn.

Ở nông thôn, hiện tượng TFR tăng rồi giảm đột ngột vào "năm đẹp" xuất hiện rõ nét năm Quý Mùi (2003), Giáp Ngọ (2014) và Canh Tý (2020). Trong khi, tại các đô thị, mức sinh tăng vào các năm Quý Mùi (2003), Tân Tỵ (2001), Đinh Hợi (2007), Nhâm Thìn (2012), Ất Mùi (2015), Kỷ Hợi (2019). Ngoại trừ năm 2001 và 2020, những năm còn lại đều được xem là đẹp, theo quan niệm dân gian.

Thêm vào đó, tỷ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam cũng ở mức cao nhất (113-114 bé trai/100 bé gái) vào các "năm đẹp" để sinh con trai theo tử vi.

Vụ Phó Vụ Thống kê Dân số và Lao động Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng người Việt có tâm lý chuộng sinh con năm đẹp. Nhưng mức sinh đang trong xu hướng giảm 20 năm qua nên nhìn tổng thể TFR, một số giai đoạn có thể nhích lên một chút nhưng không rõ khác biệt. Theo bà, tâm lý chọn năm sinh "đẹp, xấu" của người dân sẽ không có lợi cho chính sách an sinh xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đồng quan điểm, TS. xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia phân hiệu TP Hồ Chí Minh) nói hiện tượng chọn "năm đẹp" sinh con phổ biến ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong 20 năm qua. Các gia đình hiện đại có ít con hơn, đồng nghĩa với việc họ có điều kiện chọn lựa thời điểm kỹ càng hơn.

Bé Vũ Ngọc Mai Anh, TP HCM, chào đời đêm giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024, trở thành một trong những công dân tuổi rồng đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thi Quân

Bé Vũ Ngọc Mai Anh, TP Hồ Chí Min, chào đời đêm giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024, trở thành một trong những công dân tuổi rồng đầu tiên tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Thi Quân

Dù vậy, không có bằng chứng nào cho thấy những người sinh vào "năm đẹp" có tỷ lệ thành công cao hơn.

Kết luận được TS. kinh tế Nguyễn Việt Cường (Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra sau khi phân tích thông tin của 73.000 người ở độ tuổi 25-64 dựa trên điều tra dân số năm 2010-2014. Ông nhận thấy nam giới sinh vào các năm bắt đầu bằng can Đinh, Nhâm, Quý không hề có khác biệt nào đáng kể về tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học hay cơ hội nhận công việc quản lý, chuyên môn cao so với những người sinh vào năm khác.

Việc sinh ra vào "năm đẹp" tốt cho con đơn thuần là niềm tin của từng gia đình. Nhưng trên bình diện toàn xã hội, số trẻ em ra đời trong một năm tăng đột biến sẽ để lại nhiều tác động xấu về y tế, giáo dục, theo chuyên gia.

Chính bà Thúy trực tiếp trải nghiệm điều này, dù hoàn toàn không có chủ ý chọn năm. Đón con đầu lòng năm 2003 (Quý Mùi) ở Hà Nội rồi sinh con thứ hai năm 2007 (Đinh Hợi) tại TP Hồ Chí Minh, bà Thúy phải trải qua cảnh chen chúc trong các bệnh viện phụ sản ở cả hai thành phố lớn.

"Đông khủng khiếp, tôi và nhiều người phải nằm ở giường ngoài hành lang khi chờ sinh", bà nhớ lại ký ức lúc chờ sinh hai con.

Tình trạng căng thẳng với gia đình tiếp tục vào những năm các con bắt đầu đi học cấp 1-2, thi vào lớp 10 khi tỷ lệ chọi cao đột biến. Tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng thí sinh thi vào lớp 10 công lập năm 2018, tương ứng với lứa trẻ em "dê vàng", tăng 10-25% so với năm liền kề.

Theo bà, những trẻ sinh vào năm được cho là đẹp, cuối cùng phải chịu áp nhiều áp lực ganh đua, vất vả hơn so với năm bình thường.

"Năm tốt là bất kỳ năm nào mà một cặp vợ chồng chuẩn bị đủ cả sức khỏe, tâm lý và điều kiện kinh tế để sinh con", TS. Thúy nói.

Nhưng với riêng một số địa phương đang đối mặt tình trạng tỷ lệ sinh thấp như TP Hồ Chí Minh, những "năm đẹp" như 2024 vẫn có thể là yếu tố tích cực trong bối cảnh mục tiêu là khuyến sinh, theo chuyên gia. Dù mức sinh theo xu hướng giảm liên tục hai thập niên qua, TP Hồ Chí Minh vẫn có những thời điểm ghi nhận tỷ lệ sinh tăng mạnh, hầu hết vào các "năm đẹp".

Năm ngoái, mức sinh của TP Hồ Chí Minh giảm còn 1,32 con/phụ nữ, cách xa mức thay thế 2,1 - tỷ lệ đảm bảo số trẻ em gái sẽ đủ thay thế các bà mẹ để dân số phát triển bền vững. Mức sinh đứng cuối cả nước gần hai thập niên đẩy tốc độ già hóa TP Hồ Chí Minh vào nhóm tăng nhanh. Ngành dân số liên tục cảnh báo nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. "Sinh đủ hai con" trở thành thông điệp được thành phố nhắc lại liên tục những năm qua.

Kỳ vọng tỷ lệ sinh của thành phố có thể "đạt tín hiệu khả quan" năm Giáp Thìn, nhưng thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh, thừa nhận quyết định sinh con phần lớn vẫn phụ thuộc điều kiện thực tế về khả năng nuôi dạy và chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng. Trong khi nhiều gia đình trẻ ngày càng đặt ra nhu cầu cao hơn về điều kiện phát triển cho con về cả giáo dục, y tế.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Thị Thúy cho rằng yếu tố "năm tốt" theo quan niệm truyền thống có thể cải thiện nhẹ mức sinh của TP Hồ Chí Minh, nhưng xu hướng giảm sinh về lâu dài vẫn sẽ tiếp tục.

"Ngại sinh con đã trở thành tâm lý chung của người trẻ trong đời sống hiện đại, khó có thể đảo ngược bởi lý do gì, kể cả quan niệm dân gian", bà Thúy nói.

T.T (theo báo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt sinh con năm nào nhiều nhất?