Y tế - Sức khỏe

Vì sao người Việt sinh con trai nhiều hơn gái?

Theo VnE 05/01/2024 06:10

Cần có con trai nối dõi cũng như nhờ cậy về già, các kỹ thuật sàng lọc trước sinh phát triển là những nguyên nhân căn bản khiến chênh lệch giới tính ngày càng nghiêm trọng.

betrai_1.jpg
Ba bé trai chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm quý IV và cả năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 là 111,2 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, được đánh giá "tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta vẫn ở mức cao".

"Như vậy, tỷ số giới tính của trẻ sơ sinh ở nước ta vào loại khá cao, trên mức bình thường và vẫn có xu hướng tăng, do sự lựa chọn của cha mẹ, sự can thiệp của tư vấn và kỹ thuật để sinh đ­ược con trai", GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em, nói ngày 4/1.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn các nước trên thế giới nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn, đặc biệt cao ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Một số tỉnh có tỷ số này cao là Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La.

Theo thống kê, giai đoạn 1999-2005, xu hướng biến động tỷ số giới tính của Việt Nam dao động trong khoảng 104 đến 109 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, khi nước ta đạt được mức sinh thay thế, mất cân bằng giới tính bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể.

Năm 2022, tỷ số này là 113,7 bé trai trên 100 bé gái, được đánh giá nghiêm trọng. Năm 2020 là 112,1 và năm 2019 là 111,5 bé gái trên 100 bé trai. Như vậy, tỷ số này có sự tăng giảm qua các năm nhưng hiện vẫn đang ở mức cao hơn so với mức cân bằng tự nhiên. Mức chuẩn sinh học bình thường là 104-106 bé trai trên 100 bé gái.

Ông Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ Trưởng Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, nay là Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam là một trong quốc gia hiếm hoi có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên và đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên. Tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu. Bên cạnh đó, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả.

Theo các chuyên gia, ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Tư tưởng trọng nam kinh nữ, phải có con trai để nối dõi đã in sâu vào người Việt, không kể giàu, nghèo, học vấn cao thấp. Do đó những ai có điều kiện "chạm" tới công nghệ tiên tiến (có tiền và có khả năng tiếp cận thông tin) thì lựa chọn giới tính xảy ra, nếu chưa sinh được con trai.

Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của nước ta chưa phát triển. Ở các khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu hay trợ cấp xã hội, trong khi họ cần chăm sóc y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm chủ yếu thuộc về con trai. Vì thế, nhiều người cảm thấy lo lắng và bất an khi về già nếu không đẻ được con trai.

"Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng lại muốn phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh để đáp ứng được cả 2 mục tiêu trên", ông Phương nói, thêm rằng người càng khá giả và hiểu biết lại càng có điều kiện tiếp cận các phương pháp lựa chọn giới tính.

Ông Cử nhìn nhận nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục tăng và không được kiểm soát sẽ tác động lớn đến cơ cấu dân số, dư thừa nam giới, để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.

Tổng cục Thống kê dự báo, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay. Năm 2050, con số này sẽ là 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể gia tăng về nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ gia tăng.

"Nam giới khó tìm được bạn đời nên kết hôn muộn, trong khi nữ giới có thể kết hôn sớm hơn. Thậm chí nhiều nam giới không tìm được bạn đời phải sống độc thân, cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ", ông Cử nói, thêm rằng nam giới có thể phải ra nước ngoài để kết hôn.

Chiến lược Dân số Việt Nam là đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng, không còn tình trạng trọng nam khinh nữ.

Giải pháp là triển khai các mô hình nhằm nâng cao vài trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái và xây dựng chuẩn mực, giá trị phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả bình đẳng giới, tuyên dương gia đình sinh hai con một bề là gái. Nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.

Theo VnE
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao người Việt sinh con trai nhiều hơn gái?