Trung bình một người Việt ăn 134 g thịt mỗi ngày, trong đó có 95,5 g thịt đỏ, trong khi nhu cầu khuyến nghị là 70 g, dẫn đến gia tăng nhiều bệnh mạn tính.
Thông tin được Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia Trần Thanh Dương cho biết nhân lễ Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới 16/10.
Cụ thể, ở khu vực thành thị, mức tiêu thụ thịt cao hơn các nơi khác, trung bình 154 g mỗi người một ngày, trong đó thịt đỏ là 155,3 g, thịt gia cầm 36,5 g và 3,9g là các sản phẩm từ thịt. Ở vùng nông thôn, điều kiện còn khó khăn nhưng mức tiêu thụ thịt vẫn ở mức cao là 126,2 g, trong đó có 85,8 g thịt đỏ. Từ đó, người Việt tiếp nhận lipid từ nguồn động vật nhiều hơn so với lipid nguồn thực vật.
"Người Việt ăn uống thiếu lành mạnh, mất cân đối về các chất dinh dưỡng bởi ăn nhiều thịt và mỡ động vật nhưng ít rau xanh và hoa quả, nên tăng các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút, rối loạn mỡ máu", ông Dương nói, thêm rằng tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em tuổi học đường tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, trong đó khu vực thành thị 26,8%, khu vực nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Ông khuyến cáo giữ chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ bệnh mạn tính không lây nhiễm. Trong đó, cần cân đối đạm thực vật và động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Người trưởng thành nên ăn nhiều đạm thực vật hơn, với khoảng 100 g đậu, đỗ, hạt mỗi ngày, đặc biệt là đậu nành. Tăng cường rau củ tươi, quả chín, sữa và các sản phẩm từ sữa, giảm thịt đỏ, tránh các món ăn nhiều dầu mỡ để kiểm soát cholesterol trong máu. Hạn chế đường, bánh kẹo, nước ngọt, hạn chế rượu bia. Giảm ăn muối (mức dưới 5 g/ngày).
Những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân, theo ông Dương. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm, tình hình an ninh lương thực thực phẩm và bữa ăn của người dân cải thiện rõ rệt. Lần đầu tiên nước ta giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi xuống dưới 20%.
Song, vấn đề dinh dưỡng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Điển hình là tình trạng thừa dinh dưỡng ở các thành phố lớn, còn một số tỉnh miền núi, tình trạng suy dinh dưỡng vẫn là gánh nặng lớn.
Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển năm nay, Bộ Y tế đã đưa ra 5 thông điệp nhằm cải thiện sức khỏe. Trong đó, phát triển vườn ao chuồng để tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn. Tổ chức tốt bữa ăn gia đình. Bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng.
Người dân được khuyến cáo lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, bảo đảm an toàn trong chế biến và bảo quản; đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng; sử dụng nước sạch an toàn trong ăn uống, sinh hoạt. Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể.
Bộ Y tế cũng định hướng chăm sóc dinh dưỡng hợp lý 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện về tầm vóc và trí tuệ.
Theo VnExpress