Từ việc chỉ cấy lúa đơn thuần, những năm gần đây bức tranh nông nghiệp của huyện Ninh Giang đã khởi sắc với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Anh Thường (bên trái) kiểm tra tình hình phát triển của giống lúa HD9 vừa được đưa vào sản xuất tại huyện Ninh Giang
Tạo đột phá trong sản xuất lúa
Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành bảo vệ thực vật nhưng khi ra trường, anh Nguyễn Văn Thường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện lại rẽ hướng sang kinh doanh. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, năm 2007, anh quyết định quay lại với nghề khuyến nông. Nhớ về bước ngoặt trong cuộc đời mình, anh Thường cho biết: "Khuyến nông là nghề phục vụ, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nên nhiều khi còn vất vả, cực nhọc hơn nông dân. Trong khi đó, tôi đã quen với phong cách làm việc của doanh nghiệp". Nói là vậy nhưng "máu nông nghiệp" đã thôi thúc, là động lực giúp anh Thường gắn bó với đồng ruộng đến bây giờ.
Tìm hiểu về đồng đất Ninh Giang, anh Thường nhận thấy gieo cấy lúa là thế mạnh của huyện nhưng lại chưa phát huy hết hiệu quả. Sau dồn điền, đổi thửa, đồng đất được quy hoạch song vẫn chưa tạo ra những cánh đồng chuyên canh tập trung để có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho người dân. Trước thực trạng này, anh Thường đã cùng các cơ quan chuyên môn khác tham mưu cho UBND huyện về việc quy vùng gieo cấy. Thực hiện điều này sẽ khắc phục được những tồn tại trong việc chăm sóc lúa, kiểm soát được chất lượng thóc. Từ đó tạo cơ sở để liên kết với doanh nghiệp chế biến, tháo gỡ nút thắt của khâu tiêu thụ.
Với vốn kiến thức về kinh doanh đã được tích lũy nhiều năm, anh Thường cho rằng tại vùng lúa tập trung không thể gieo cấy những giống lúa theo tập quán, truyền thống canh tác của người dân mà phải sử dụng các giống mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Anh đã mạnh dạn đề xuất xây dựng nhiều mô hình giống lúa mới như HD9, M1-ND, QP5... Đặc biệt, giống nếp cái hoa vàng vốn là sản phẩm nông nghiệp đặc thù của huyện Kinh Môn cũng được gieo cấy thành công tại Ninh Giang trong vụ mùa vừa qua. "Khuyến nông chỉ cần chú tâm tới chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn bà con những phương pháp sản xuất tối ưu nhất để nông sản có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn trăn trở về đầu ra của nông sản. Bởi nếu sản phẩm tốt nhưng không tiêu thụ được thì vẫn là thất bại", anh Thường chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh Thường mang lúa gạo của huyện đi chào hàng với các doanh nghiệp. Để tạo ấn tượng với khách hàng, mỗi sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác riêng. Vì vậy, các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu lúa gạo của huyện ngày càng nhiều, thậm chí có đơn vị sẵn sàng cung ứng giống, phân bón để đặt hàng. Nhờ liên kết với doanh nghiệp mà nông dân Ninh Giang được tiếp cận với những kỹ thuật sản xuất lúa hiện đại. Người dân không còn canh tác theo cảm tính, thói quen như trước mà đã tuân thủ theo đúng quy trình.
Ninh Giang không chỉ có lúa
Sinh năm 1980 và lớn lên tại xã Phạm Trấn (Gia Lộc), vùng quê có kinh nghiệm thâm canh rau màu nhưng lại làm việc và gắn bó với đồng đất Ninh Giang nên anh Thường luôn mong muốn bên cạnh lợi thế trồng lúa, huyện Ninh Giang có thể phát triển đa dạng các loại cây trồng. Theo anh Thường, đặc điểm đất đai của Ninh Giang phù hợp với nhiều loại cây, nhất là cây vụ đông, nhưng người dân lại chểnh mảng với sản xuất vụ này. Để không lãng phí nguồn lợi này, anh đã phối hợp với nhiều đơn vị đưa giống cây mới vào sản xuất. Giờ đây, ngoài những vùng gieo cấy lúa chất lượng cao, huyện còn có thêm mô hình trồng cà rốt, đỗ tương xuất khẩu. Huyện còn thí điểm xây dựng các vùng trồng cây ăn quả đặc sản như cam sành, cam vinh, bưởi da xanh... Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp của Ninh Giang không còn đơn điệu như trước mà đã có thêm điểm nhấn, hứa hẹn nhiều bứt phá trong thời gian tới.
Bà Phạm Thị Dụ ở thôn Bùi Hòa, xã Hoàng Hanh phấn khởi: "Trước kia, 4 sào ruộng của gia đình tôi chỉ cấy lúa. Từ khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng rau màu, ngoài gieo cấy 2 vụ, tôi còn trồng vụ đông. Vụ này, tôi chuyển đổi 2sào ruộng sang trồng rau vì thu nhập cao hơn cấy lúa. Những loại rau trước kia phải mua như su hào, cải bắp, cà rốt... thì nay chúng tôi đã có thể tự trồng".
Nhận xét về những việc làm của anh Thường đối với sự phát triển nông nghiệp của huyện Ninh Giang, ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: "Anh Thường là trạm trưởng trẻ, tác phong làm việc khoa học, bài bản. Sự nhạy bén, thức thời của anh đã góp phần mang lại diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của Ninh Giang. Trong bối cảnh hiện nay, khi sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ thì những tư duy đổi mới như của anh Thường sẽ là nền tảng để ngành nông nghiệp phát triển đúng hướng, phù hợp với tình hình thực tế".
PV