Dân ta có truyền thống yêu quý trẻ em, vì thế họ luôn lo việc dạy dỗ trẻ cho ngoan.
Tục ngữ có câu "Bé không vin, cả gẫy cành" (lúc nhỏ không uốn, khi cành đã cứng mới uốn thì gẫy) hoặc "Dạy con từ thuở còn thơ". Ngay từ tuổi nhỏ, trẻ đã được "học ăn, học nói, học gói, học mở" nghĩa là con trẻ được học tất cả từ ăn, nói đến làm việc để sau này thành người có ích. Rất nhiều gia đình tạo ra nền nếp riêng trong đạo lý, ứng xử, sinh hoạt... cho con trẻ noi theo. Người ta dạy trẻ em phải biết nghe lời người lớn trong gia đình, biết kính trọng người già. Ra đường phải chào hỏi, ăn cơm phải biết mời, phải ngoan và lễ phép, phải thật thà, siêng năng... Nhiều gia đình dạy con rất nghiêm khắc. Họ quan niệm "Yêu cho vọt, ghét cho chơi" hoặc "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Thực tế có những trẻ hư, "rắn đầu rắn mặt" thì người bố có đánh, nhưng đánh bằng roi mây hay roi tre nhỏ và bắt con nằm sấp, kể rõ tội của con rồi mới vụt ba roi vào mông để răn đe là chính. Không người bố yêu con nào lấy cây que to mà phang con hay đấm đá con. Không có người cha yêu con nào hành hung con dã man như xích con vào cột nhà, bỏ đói hoặc ném con xuống ao...
Bác Hồ là người rất yêu quý trẻ con. Bác nói: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan". Bác chỉ yêu cầu trẻ em đơn giản vậy thôi, có 3 việc: ăn, ngủ, học hành, thế là ngoan rồi. Đừng yêu cầu trẻ em quá cao. Bác dạy các cháu 5 điều "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ làm theo. Cùng với sự giáo dục của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, trường học và nhiều chính sách ưu ái cho trẻ em nên trẻ em Việt Nam hầu hết là ngoan ngoãn, chăm học, nhiều em được phát triển tài năng, nhiều em thành anh hùng trong chiến đấu như Kim Đồng, Vừ A Dính, Nguyễn Bá Ngọc...
Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mặc dù mức sống của nhân dân được nâng lên nhưng trẻ em lại có nhiều thiệt thòi. Các cháu chịu nhiều áp lực nơi học đường, áp lực trong gia đình. Một số cháu bị bạo hành dã man. Một số cháu bị lạm dụng để làm điều sai trái cho người lớn. Một số cháu bị lạm dụng tình dục. Có cháu yêu đương quá sớm rồi có bầu, nghiện chơi game dẫn đến trốn học, trộm tiền của bố mẹ trả nợ. Đặc biệt là vào hội, nhóm đánh nhau, làm nhục nhau bằng cách lột quần áo, quay video clip tung lên mạng... Tất cả những việc ấy mặc dù do trẻ em gây ra nhưng suy cho cùng là do lỗi ở người lớn. Đó là cha mẹ, anh chị, cô chú bác, ông bà các cháu, là do thầy cô giáo, các cán bộ phụ trách đoàn, hội chưa quan tâm giáo dục các cháu đến nơi đến chốn. Rồi môi trường xã hội còn nhiều điều xấu. Nhiều cặp vợ chồng ly dị bỏ con bơ vơ hoặc ở với ông bà già yếu. Không có người quan tâm, các cháu dễ dàng a dua, bị lôi kéo vào các tệ nạn hoặc bỏ nhà đi bụi. Rồi những phim ảnh đồi trụy lan truyền trên mạng xã hội...
Chúng ta vẫn nói "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" và "Con hơn cha là nhà có phúc". Muốn con hơn cha thì phải biết dạy con. Cả dân tộc phải biết chăm lo, dạy dỗ trẻ em. Thực tế chúng ta đã rất chú ý dạy trẻ em ở nhà trường, ở gia đình, ở đoàn thể như Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... Chúng ta dạy trẻ em qua các giờ lên lớp của trường, qua chế độ chính sách của Nhà nước, qua sách báo, phim ảnh, nhất là sách của Nhà xuất bản Kim Đồng và báo Thiếu niên tiền phong...
Mặc dù đã có nhiều biện pháp dạy trẻ em nên người nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều người lớn chưa trở thành tấm gương sáng cho trẻ em noi theo. Đặc điểm tâm lý của trẻ em là tò mò, hay bắt chước. Nếu người lớn làm việc xấu thì rất hại cho trẻ em. Chắc chắn không ai muốn mình có đứa con hư, đứa em hư. Không giáo viên nào muốn có học sinh hư. Vì vậy người lớn trong gia đình và nhà trường nhất thiết phải thành tấm gương sáng để trẻ em noi theo. Hằng ngày từ việc nói năng, ăn mặc đến ứng xử và làm việc đều phải nhớ đừng có tạo ấn tượng xấu cho con em mình bắt chước. Ở những nơi công cộng như chợ, công viên, nơi vui chơi, lễ hội hoặc quán ăn... người lớn cũng phải tỏ ra có văn hóa. Một người lớn nói bậy, chửi tục nơi công cộng có thể con em họ không ở đấy nhưng con em người khác bắt chước thành hư. Các cơ quan đoàn thể nên có những cuộc vận động nêu gương sáng dành cho người lớn, nhất là hội viên, đoàn viên của hai tổ chức thanh niên và phụ nữ. Các làng và khu dân cư văn hóa cũng phải đưa tiêu chí người lớn làm gương sáng vào nội dung phấn đấu của làng mình, khu mình...
Người ta hay nói "trẻ em như tờ giấy trắng". Xin người lớn hãy vẽ lên đấy những bông hoa đẹp.
VĂN DUY (Kinh Môn)