Đó là ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007), quê làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2.9.1945
Hồi ông là Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng (8.1945), được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tổ chức “Ngày Độc lập” (2.9.1945) với cương vị Trưởng Ban tổ chức. Trong hồi ký của ông cũng như sinh thời ông từng kể lại sự việc ấy, tóm tắt như sau:
Ngày 28.8.1945, Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào. Ông có việc cần phải giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa kết thúc. Bộ trưởng Bộ Cứu tế Nguyễn Văn Tố đưa ông vào gặp Cụ Hồ.
Cụ Hồ nhìn ông một lúc rồi hỏi: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2.9. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Ông suy tính, tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ có 4 ngày để lo tổ chức một đại lễ đặc biệt. Ông hình dung ra tất cả những khó khăn phải vượt qua và trả lời Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi!”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”. Ông phấn chấn: “Thưa Cụ! Cụ đã nói như vậy, con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”. Cụ Hồ đứng lên, bắt tay ông. Người vui vẻ nói: “Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”.
Ông chào Cụ Hồ, ra về. Nhưng khi vừa bước xuống hết bậc thềm của Bắc Bộ phủ, ông lại lên thưa với Cụ Hồ rằng, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho ông quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của. Cụ Hồ trả lời ông: “Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.
Trở về, ông lập tức thực thi nhiệm vụ. Việc cần thiết trước tiên là phải dựng Lễ đài Độc lập xứng với ngày lịch sử trọng đại này tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời ra mắt. Ông nhanh chóng tập hợp, huy động được sự đóng góp của nhiều nhà trí thức và chuyên môn, các kiến trúc sư, thợ thi công, các nhà công thương hiến tặng vật liệu, các nhà kỹ thuật lắp đặt thiết bị phóng thanh (như họa sĩ Lê Văn Đệ, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, ông Nguyễn Dực…).
Đồng thời với làm lễ đài là lo về công tác tổ chức lễ. Trong ngày 31.8.1945, ông gửi 3 lá thư đến bác sĩ Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội. Lá thư nào cũng được mở đầu bằng câu: “Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội” và kết thúc: “Kính thư, Nguyễn Hữu Đang”. Nội dung chủ yếu của từng lá thư như sau: Thư thứ nhất: “Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2.9.1945 một “Ngày Độc lập”. Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ phải cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập”.
Thư thứ hai: “Nhân “Ngày Độc lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận. Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả dây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu toà Thị chính”.
Thư thứ ba: “Muốn cho “Ngày Độc lập” tổ chức vào ngày 2.9.1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng, cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán hội Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở Tài chính”.
PHẠM XƯỞNG(st)