Trong một tháng tới, nhà mạng sẽ phải rà soát những người đứng tên từ 4 sim trở lên để bảo đảm SIM được chính chủ sử dụng.
Yêu cầu trên được nêu trong văn bản Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đến nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam, được công bố ngày 15/3.
Cụ thể, đến trước 15/4, các nhà mạng phải tiến hành kiểm tra tệp khách hàng cá nhân và tổ chức có giấy tờ đăng ký từ 4 đến 9 SIM nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định và xác thực họ có đang sử dụng thuê bao đã đăng ký không. Người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp số thuê bao mình đứng tên được sử dụng cho hành vi vi phạm pháp luật.
Trước đó, từ tháng 5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiểm tra những cá nhân, tổ chức đăng ký 10 SIM trở lên. Kết quả là có 8,6 triệu thuê bao bị phát hiện vi phạm và bị xử lý. Trong số đó, tính đến tháng 9/2023, 3,6 triệu SIM đã được đăng ký lại thông tin. Số còn lại bị khóa một chiều, hai chiều hoặc thu hồi.
Theo quy định về thuê bao di động, người dùng có thể đăng ký 3 sim với mỗi nhà mạng bằng việc cung cấp giấy tờ và thông tin cá nhân. Với số thuê bao thứ tư trở lên, họ phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu. Doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm số thuê bao đó được sử dụng theo đúng quy định.
Nhà mạng vi phạm bị dừng phát triển thuê bao
Song song với việc xác minh người đứng tên nhiều SIM, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành xử lý toàn bộ SIM được kích hoạt và nhập sẵn thông tin thuê bao. Các sim này tồn tại do các đại lý trước đây lợi dụng lỗ hổng trong đăng ký thuê bao, dùng chung thông tin của một người cho nhiều thuê bao khác nhau. Kênh đại lý đã bị dừng hoạt động từ tháng 9 năm ngoái, nhưng vẫn còn một số SIM "tồn kênh". Theo yêu cầu của bộ, SIM tồn kênh nếu đang bị khóa một chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn, phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao trước 15/4.
Từ giữa tháng sau, doanh nghiệp viễn thông di động phải "chịu hoàn toàn trách nhiệm" nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM của doanh nghiệp đó được kích hoạt sẵn, mua, bán, lưu thông.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm, bộ sẽ thanh tra và xử lý vi phạm với mức phạt cao nhất là đình chỉ phát triển thuê bao mới. Ngoài ra, người đứng đầu của doanh nghiệp sẽ bị xem xét kỷ luật.
Từ tháng 3/2023, bộ cùng các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao. Sau chiến dịch, 125 triệu thuê bao di động tại Việt Nam đã được cập nhật thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thuê bao đứng tên người này nhưng người khác sử dụng, dẫn đến SIM không chính chủ, là một trong những nguyên nhân của vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi rác thời gian qua.
HQ (theo VnExpress)