Lao động - Việc làm

Người cao tuổi Hải Dương khó kiếm việc làm

BẢO ANH 05/11/2023 15:00

Hải Dương có số người cao tuổi đứng vào nhóm đầu của cả nước, với hơn 322.000 người, chiếm khoảng 16% số dân, cao hơn trung bình của cả nước khoảng 6%. Số người già tăng lên trong khi nhu cầu về việc làm của họ vẫn rất lớn.

00:00

Cầu nhiều, cung ít

z4833887634990_5842ffbff052ed3b6d4a094cc2f4da28(1).jpg
Số người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp xã hội tại Hải Dương có nhu cầu về việc làm khá lớn (ảnh minh họa)

Số người từ 60 tuổi trở lên tại Hải Dương không có lương hưu và không được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng còn nhiều nên nhu cầu việc làm của họ rất lớn.

Ông Phạm Văn Hoan ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: “Chưa đến 80 tuổi nên tôi chưa được nhận trợ cấp xã hội. Tôi vẫn khỏe mạnh và có nhiều kinh nghiệm sửa chữa ô tô nhưng để tìm được việc làm phù hợp rất khó. Nhiều lần tôi đến các gara ô tô xin việc thì đều bị từ chối vì họ chỉ tuyển người trẻ, không muốn tuyển người già dù tôi đã chấp nhận mức lương thấp hơn”.

Việc hướng nghiệp, đào tạo nghề, tìm việc làm cho người cao tuổi trong bối cảnh Hải Dương bước vào giai đoạn già hóa dân số như hiện nay rất cần thiết để bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế thị trường việc làm dành cho người cao tuổi hiện nay khá hạn hẹp. Phần lớn người cao tuổi chỉ có thể tìm được việc làm bảo vệ, buôn bán lặt vặt, giúp việc gia đình… Những công việc có thể phát huy năng lực, kinh nghiệm của người cao tuổi không nhiều.

z4834328029032_6fbd2313434f4c6f85fa8db6b3854662.jpg
Tuổi thọ tăng lên, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn nên nhiều người cao tuổi có thể làm việc khi còn khỏe

Các chính sách của tỉnh Hải Dương hay Nhà nước hiện nay phần lớn cũng mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, còn chương trình hỗ trợ đào tạo, tìm kiếm việc làm cho người cao tuổi lại rất ít.

Theo khảo sát mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Hải Dương, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh thì có tới 40-45% số người trên 60 tuổi có nhu cầu tham gia hoạt động kinh tế. 5 năm trở lại đây, tại những địa phương trên, số người cao tuổi khởi nghiệp ngày càng nhiều, tăng bình quân 10-15% mỗi năm. Với quan niệm “ốm tha, già thải” nên rất ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận người cao tuổi vào làm việc, chỉ có khoảng 5% số người cao tuổi sau khi về hưu tìm được việc làm phù hợp.

Ông Lương Anh Tế, Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương cho biết tạo việc làm cho người cao tuổi như một mũi tên trúng nhiều đích. Người cao tuổi có việc làm vừa giúp họ duy trì sức khỏe, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu thiếu hụt nguồn nhân lực quốc gia. “Thực tế già hóa dân số tại Hải Dương và cả nước nói chung không hẳn chỉ là thách thức mà đó còn là cơ hội”, ông Tế nói.

Đừng lãng phí “kho báu”

z4834318905310_59d817cf44db14dec71902229f65e116(1).jpg
Người cao tuổi ở Nam Sách làm việc tại một số xưởng sản xuất vàng mã, chế biến nông sản, phù hợp với sức khỏe và có thu nhập tốt

Cùng với sự phát triển của y học, tuổi thọ và sức khoẻ của con người ngày càng được cải thiện. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, tuổi thọ trung bình của Hải Dương hiện nay khoảng 75 tuổi, cao hơn trung bình cả nước 1,3 tuổi. Phần lớn những người trong độ tuổi từ 60-70 vẫn khoẻ mạnh và làm việc được bình thường. Do đó, đã đến lúc cần có chính sách về việc làm riêng cho người cao tuổi.

Ông Nguyễn Văn Kha, cán bộ từng làm việc tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) cho biết: “Khi về hưu, còn sức khỏe tôi rất muốn đem kiến thức đã tích lũy và học được trong thời gian công tác để tiếp tục làm việc. Tôi mong tỉnh sớm có một tổ chức đứng ra phối hợp với Hội Người cao tuổi xây dựng mô hình doanh nghiệp hoặc trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người cao tuổi. Bởi nhu cầu việc làm của người cao tuổi hiện nay khá lớn có thể tận dụng để cung ứng nhân lực cho một số ngành như sản xuất mây tre đan, làm đồ thủ công, thêu ren, sản xuất hàng may mặc, gốm sứ…”.

Theo thống kê của Hội Người cao tuổi tỉnh, Hải Dương hiện có trên 85.000 người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh có 1.995 người cao tuổi là chủ trang trại, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho trên 22.000 lao động. 5 năm qua, tổng doanh thu của người cao tuổi tham gia làm kinh tế đạt trên 1.702 tỷ đồng; người cao tuổi đóng góp trên 25,6 tỷ đồng vào các hoạt động vì an sinh xã hội.

Cùng với cả nước, Hải Dương cũng đang ở thời kỳ già hoá dân số. Tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Vì vậy khai thác kinh nghiệm, khả năng làm việc ở người già tốt sẽ giúp giảm gánh nặng an sinh xã hội, giảm thách thức thiếu lao động trong tương lai.

Đặc biệt trong bối cảnh lưới an sinh xã hội chưa bao phủ được hết người cao tuổi thì cần có thêm các quy định của pháp luật về việc làm, giúp họ có thể tự trang trải cho cuộc sống của mình khi không có trợ cấp hay lương hưu.

Ông Lương Anh Tế khẳng định, trong bối cảnh tuổi thọ tăng lên, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng tốt hơn thì lực lượng lao động là người cao tuổi trở thành “kho báu” có thể khai thác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giảm áp lực lên các chính sách an sinh và vượt qua những khó khăn và thách thức của giai đoạn già hóa dân số.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cao tuổi Hải Dương khó kiếm việc làm