Việc phục dựng đình Hàn Trung ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) có đóng góp lớn của một tấm lòng vàng. Đó là tấm lòng của vợ chồng ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo.
Nhớ tích xưa
Từ xa xưa ở làng Hàn Trung, tổng Đan Tràng còn thuộc huyện Cẩm Giàng (nay là khu 4, phường Việt Hòa, TP Hải Dương), đã có đình thờ thành hoàng, từng được các triều vua ban sắc phong làm thần hộ quốc, che chở chúng dân, với những mỹ tự tôn kính. Chỉ kể riêng triều Nguyễn, từ vua Tự Đức thứ 6, đến đời vua Khải Định thứ 10 (tức là từ 1852 đến 1925) ngôi đình đã nhận 6 đạo sắc phong.
Theo Phúc thần bi ký làng Hàn Trung, từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, vào thời Lê trung hưng có bà Nguyễn Thị Tích, người xã Bình Lâu lấy chồng họ Đinh ở xã Hàn Giang, làm quan trong triều. Thuở ấy, trời làm đại hạn, mùa màng thất bát, làng xóm đói nghèo. Một lần bà về quê, đi ngang qua làng Hàn Trung nhìn thấy cảnh đình chùa hỏng nát, mà động lòng trắc ẩn. Bà đã phát tâm tín ngưỡng, bỏ ra 220 quan tiền tốt để tu sửa đình chùa cho dân.
Tướng công Đinh Văn Tả là người văn võ song toàn, từng thống lĩnh các đạo quân, đánh dẹp giặc dã, đem lại thái bình cho muôn dân. Ngài được triều đình nhà Lê sắc phong làm thành hoàng để nhân dân thờ phụng, quanh năm hương khói…
Năm Kỷ Tỵ (1629), các vị chức sắc và bô lão trong làng đã họp, trên dưới đồng lòng thay mặt bản thôn, suy tôn Đinh tướng công và bà Nguyễn Thị Tích làm Phúc thần. Sau đấy bà lại cung tiến thêm 2 mẫu 3 sào đất cho đình để làm công ích.
Từ đấy về sau, đình Hàn Trung là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân thôn và khách thập phương vãng lai chiêm bái, tưởng niệm thành hoàng, ôn cố tri tân, di dưỡng tinh thần, nối chí trước, giữ nếp xưa.
Thế nhưng thời gian đẽo gọt, vật đổi sao dời, lại thêm chiến tranh loạn lạc nên ngôi đình Hàn Trung ngày càng xuống cấp.
Đến năm Nhâm Dần (1962), có một thời kỳ người dân trong làng tháo dỡ đình, lấy vật liệu mang đi xây nhà mẫu giáo. Đất đình được chính quyền chia cho dân ở, thành đất thổ cư, chỉ còn sót vài hòn đá tảng và chiếc ao đình rộng hơn 8 sào. Tứ thời bát tiết, những ngày gió nổi, mặt ao lăn tăn những lớp sóng xưa, ai người đi ngang qua, bùi ngùi nuối tiếc một thời.
Không có đình để hội hè tế lễ, dân làng Hàn Trung đành mượn căn nhà cấp 4, nằm lọt phía sau ngôi chùa Phúc Lâm để dùng tạm, chờ thời. Tấm bia Phúc thần của đình cũng phải mang về dựng trước cổng chùa. Khách hành hương, Phật tử vô tình trông thấy cũng cám cảnh chạnh lòng.
Phục dựng
Bấy giờ có ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo, có trụ sở giao dịch trên địa bàn phường Việt Hòa, TP Hải Dương. Hằng năm, gia đình ông vẫn về thắp hương tại đình, chùa làng. Tận mắt nhìn, nghe chuyện kể số phận ngôi đình, bao phen chìm nổi, mái ngói rêu phong, hương khói nhạt nhòa… khiến ông động lòng trắc ẩn. Ông bàn với vợ, xin cùng với dân làng xây dựng ngôi đình trên khuôn đất thuở ban đầu. Khốn nỗi, trên nền đình cũ bấy giờ duy nhất còn sót lại chiếc ao. Ông Giang vẫn quyết tìm mọi biện pháp tiến hành.
Trải qua hơn 5 tháng trời công phu khó nhọc, vận chuyển đất cát lấp ao làm nền, đổ móng, san cát làm sân, đặt cổng, táp môn, dựng nhà dải vũ… Được âm phù dương trợ, có công sức của nhiều hiệp thợ trong làng, trong tỉnh, ngôi đình đã sừng sững hiện lên từ chiếc ao xưa.
Ngôi đình 5 gian, hướng đông ghé nam, có mái đao cong vút, phượng múa rồng bay, ngói lợp phẳng như chiếu rải. Bên trong, tế khí đủ đầy. Bên ngoài, tả có nhà giải vũ, hữu có sân khấu đài. Ông Giang có sáng kiến cho dựng một sân khấu nhỏ có mái che, để những khi dân làng vào hội, khi giao lưu văn nghệ cơ sở hoặc có đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về biểu diễn thì có sẵn sân khấu, tiện lợi phục vụ nhân dân. Đứng giữa sân đình nhìn tứ phía, thấy cổng đình rộng mở, táp môn ẩn chìm, xung quanh điểm xuyết cây xanh, cảnh trí thật phóng khoáng mà tao nhã. Khách xa gần tới tham quan đều khen đình Hàn Trung đơn giản mà đẹp đẽ.
Khuôn viên ngôi đình Hàn Trung rộng gần 1.500 m2. Người dân đã quyên góp được trên một tỷ đồng và bỏ ra hàng nghìn ngày công xây dựng. Ông bà Nguyễn Đình Giang đã tài trợ 3 tỷ đồng (tương đương 100 cây vàng - thời giá năm 2017).
***
Ông Nguyễn Đình Giang sinh năm 1957, quê quán làng Lai Cách (Cẩm Giàng). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, gia cảnh nghèo khó. Khi trưởng thành, ông đã hăng hái nhập ngũ, chiến đấu bị thương, từng trải kinh qua nhiều công tác của Nhà nước. Ông về quê mở nghề sản xuất bánh đậu xanh, trở thành Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo kiêm chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, là một doanh nhân thành đạt. Đã nhiều năm nay ông đóng góp với xã hội trong các phong trào thể thao, văn hóa và làm nhiều việc nghĩa, từ thiện, bằng công sức và tiền của. Ông nổi tiếng là người đỡ đầu, tài trợ cho Đội Bóng đá nhi đồng U11, U13 Gia Bảo - Hải Dương, từng nhiều năm giành chức vô địch trong toàn quốc. Ông là người tiêu biểu nuôi dạy con cái trưởng thành. Hai người con trai ông đều là cán bộ lãnh đạo các ngành trong tỉnh. Xứng đáng là người đảng viên giỏi việc nhà, lo tròn việc xã hội, ông vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba và nhận nhiều bằng lao động sáng tạo, giải thưởng của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh.
Cảm kích tấm lòng của ông bà, các vị lãnh đạo chính quyền cơ sở và các dòng họ trong khu dân cư đã họp bàn, trân trọng biết ơn gia đình ông, bằng hình thức ghi công đức để lưu lại về sau.
Người dân ở Việt Hòa bảo rằng: Uống nước nhớ nguồn, xây đình, miếu tỏ lòng tri ân, phụng thờ các bậc tiền nhân có công với nước với dân là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt.
Lại có người mạn đàm, từ xưa ông cha ta có câu: Của một đồng, công một nén. Huống chi ông bà Nguyễn Đình Giang đã công đức cho làng hàng trăm cây vàng để xây đình! Đáng kể hơn, thiện tâm ấy lại là của một thương binh, một đảng viên đang sống giữa đời thường mới thấy tấm lòng của ông Giang thật đáng trân trọng.
Đã có người nghe chuyện này, về thăm phong cảnh đình Hàn Trung cảm hứng viết bài thơ, có những câu:
Người góp công, góp của
Xây ngôi đình khang trang
Gia đạo càng êm ấm
Đẹp thay tấm lòng vàng!