Nắng chói chang chiếu sáng cả một góc sân. Nhịp sống quê tôi như vội vàng hơn. Duy chỉ còn tiếng ho của ngoại vẫn thật chậm rãi, đứt quãng.
Nắng chói chang chiếu sáng cả một góc sân. Nhịp sống quê tôi như vội vàng hơn. Duy chỉ còn tiếng ho của ngoại vẫn thật chậm rãi, đứt quãng.
Bà tôi yếu lắm rồi, da dẻ nhăn nheo, xanh xao. Người bà gầy rộc, chỉ còn da bọc xương. Thuốc men đã trở thành thứ thiết yếu trong nhà, để sẵn đầu giường của ngoại. Mỗi lần mẹ sai tôi lấy nước cho bà uống thuốc, tôi bóc từng viên và lẩm bẩm đếm, có tới hơn chục viên một liều. Cứ ngày này qua ngày khác, ngoại phải gồng mình lên để chịu đựng bệnh tật hoành hành.
Tôi nhớ hồi ngoại khỏe, ngoại dắt tôi dạo quanh làng, luôn miệng khoe:
- Cháu gái tôi đấy, hóm đáo để cơ!
Rồi có miếng gì ngon là ngoại lại gói vào túi áo để dành phần tôi. Những lần ngoại đi chợ về, túi áo cộm cộm là tôi hí hửng chạy ra ngay. Rồi tôi kéo bà ra sau vườn đến chỗ cây ổi rậm rạp tán lá. Cây ổi bà trồng chính là nơi chất chứa bao kỷ niệm buồn vui.
Từ ngày ngoại bị ốm, tôi ít đi chơi. Hễ có thời gian là tôi ngồi bên ngoại, thủ thỉ kể đủ thứ chuyện ở trường, ở lớp, ở ngoài đường. Ngoại chỉ nghe chứ không còn nói chuyện với tôi như trước nữa. Mỗi lúc tôi hỏi, ngoại cũng chỉ đáp lại một hai từ “ừ”, “được rồi” hay khẽ nở nụ cười mệt nhọc.
Một buổi sáng trong lành, như thường lệ, mẹ đeo quang gánh trên vai chuẩn bị đi bán rau.
- Dương à? Con ở nhà nấu cơm và nhớ cho bà uống thuốc nghe chưa?
Tôi đáp vội:
- Dạ, mẹ yên tâm.
Tôi rửa tay sạch sẽ, bóc từng viên thuốc mang lại giường ngoại.
- Ngoại ơi! Ngoại dậy uống thuốc nhé!
Tôi đỡ lưng ngoại dậy, đưa cho ngoại từng viên thuốc nhỏ. Mặc dù uống thuốc đều đặn mà bệnh của ngoại vẫn không bớt đi chút nào. Những cơn ho vẫn cứ làm ngoại tức ngực, thở dốc. Xong xuôi công việc mẹ dặn, tôi ngồi tựa lưng vào tường, nhìn ra cửa sổ, nghĩ vu vơ. Bầu trời ngoài kia thật đẹp, đám mây trắng trôi chậm chạp, đủng đỉnh chẳng âu lo muộn phiền.
Đang thẩn thơ nghĩ ngợi, bỗng có tiếng gọi ngoài cổng:
- Dương ơi... Dương… Tôi giật mình ngó đầu nhìn, thì ra là Dung.
Nó tiếp lời:
- Sang nhà tớ chơi ô ăn quan không?
Tôi lưỡng lự:
- Nhưng tớ còn phải trông ngoại, hay bạn sang đây chơi đi!
Dung ngúng nguẩy:
- Không sang thì thôi.
Tôi nhìn ngoại, thấy bàn tay ngoại ra hiệu, như thúc giục: “Đi đi”, rồi mắt ngoại nhắm lại. Có lẽ ngoại muốn ngủ một lát.
Tôi tự nhủ mình chỉ đi chơi một tí thôi rồi về với ngoại cũng không sao. Vậy là tôi bắt đầu cuộc chơi quên cả giờ giấc. Cứ hết ván này sang ván khác, rồi hết lời hứa này sang lời hứa khác tôi vẫn còn lưu luyến với cái Dung. Đến khi nghe tiếng mẹ gọi giật giọng: “Dương! Dương ơi! Dương đâu rồi?”, tôi mới hốt hoảng chạy về.
- Ngoại làm sao thế này? Sao ngoại lại nằm dưới đất. Trời ơi! Ngoại bị ngã rồi con ơi. Phải đưa ngoại đi viện thôi. Mau lên - Giọng mẹ cuống quýt.
Mẹ không còn thời gian để trách mắng tôi nữa. Tôi run lập cập, nước mắt trào ra. Nỗi ân hận choán hết tâm trí tôi. Giá mà tôi ở nhà với ngoại thì mọi chuyện đã không như thế.
Ở viện chưa được một tháng thì ngoại ra đi. Mới đó mà đã 5 năm trôi qua. Ngày mai là ngày giỗ của ngoại. Giờ đây tôi chỉ có thể nhìn thấy ngoại qua tấm di ảnh trên bàn thờ. Nụ cười của ngoại như ánh nắng sưởi ấm tâm hồn tôi. Tôi nhớ quá nụ cười ấy! Nơi đây, cây ổi vẫn tỏa bóng xanh mát và những quả ổi trĩu cành chờ tôi hái mỗi ngày. Chỉ tiếc rằng, ngoại đã mãi mãi rời xa tôi, để lại đây bao nỗi nhớ, kỷ niệm đầy vơi. Tôi muốn gọi “Ngoại ơi!” mà cổ họng nghẹn lại. Nước mắt đã rơi tự bao giờ tôi cũng không hay biết.
PHẠM THỊ KHÁNH DƯƠNG(Lớp 12E, Trường THPT Nam Sách)