Ngay sau khi uống rượu ngâm rễ cây xong, cả hai nạn nhân đều có phản ứng ngộ độc nặng như hôn mê sâu, da tím toàn thân, không mạch, không huyết áp, ngưng tim…
Sáng 9-12, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết lúc 5 giờ ngày 9-12, bệnh nhân Đinh Văn Giâng (60 tuổi, ở thôn 1, xã An Trung, huyện An Lão) đã tử vong. Trước đó, nạn nhân Đinh Thị Chấp cùng uống rượu ngâm rễ cây với ông Giâng, đã tử vong.
Trước đó, 13 giờ 20 phút ngày 8.12, ông Giâng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu.
Được biết, sáng 8-12, bà Đinh Thị Chấp (55 tuổi, hàng xóm của ông Giâng) cúng đầy tháng cháu, có mời ông Giâng sang đứng ra cúng.
Sau khi cúng xong, bà Chấp rót rượu do bà tự ngâm từ thân, lá cây rừng (chưa rõ loại gì) cho ông Giâng và bà uống trước.
Ngay sau khi uống xong, cả hai người đều có phản ứng ngộ độc nặng như hôn mê sâu, da tím toàn thân, không mạch, không huyết áp, ngưng tim… Sau 30 phút hồi sức tích cực nhưng bà Chấp đã tử vong.
Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện An Lão, bác sĩ Trương Ngọc Hưởng, đã trực tiếp đến nhà bà Chấp, niêm phong toàn bộ số rượu ngâm. “Rượu ngâm với nhiều loại thân, rễ, lá được cắt nhỏ, không thể xác định chính xác loại cây được. Cả thân, rễ, lá và rượu đều có màu đỏ”, bác sĩ Hưởng cho hay.
Theo bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Định, trong sáng 9-12, đoàn công tác của Chi cục sẽ về huyện An Lão để tiếp nhận các mẫu rượu ngâm đã niêm phong. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu ngâm sẽ cho biết nguyên nhân chính xác của vụ ngộ độc này.
Đầu năm 2012, tại xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (Bình Định) cũng đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng do uống rượu ngâm rễ cây ba kích, làm 1 người chết và 17 người phải nhập viện điều trị.
TÂM NGỌC (Thanh niên)