Do có nhiều tiện ích, tiêu dùng số đang dần trở thành xu hướng thịnh hành, được nhiều người tiêu dùng và các đơn vị cung cấp dịch vụ lựa chọn.
Nhiều khách hàng ở chợ Hải Tân đã quen thanh toán bằng quét mã QR
Hiện nay, tiêu dùng số không còn xa lạ, nó đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng và các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Từ người tiêu dùng...
Chị Nguyễn Hoàng Trang, ở khu 8 phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) từ lâu đã quen mua đồ dùng trên mạng, khoảng 60-70% đồ dùng cần mua cho bản thân và gia đình chị được mua qua kênh này. Từ đồ thời trang, vật dụng gia đình, thậm chí cả đồ ăn chị Trang đều mua trên mạng xã hội Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử… “Nếu phải đi ra cửa hàng lựa chọn đồ rất mất thời gian. Trong khi việc mua sắm trên mạng rất thuận tiện, dù ở bất kỳ đâu, bất cứ thời gian nào tôi cũng có thể dễ dàng tìm mua được sản phẩm mình cần. Cũng có nhiều rủi ro khi mua hàng trên mạng như quần áo, giày dép không vừa hoặc đồ dùng chưa ưng ý. Tôi có thể trả lại cửa hàng mà chỉ mất phí giao hàng từ 15.000-30.000 đồng/lần”, chị Trang nói.
Đã một năm Viettel chi nhánh Hải Dương phối hợp Ban Quản lý chợ Hải Tân (TP Hải Dương) triển khai kênh thanh toán không dùng tiền mặt Viettel Money cho các tiểu thương và khách hàng tại chợ. Với tiện ích như có thể thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có giao diện dễ nhìn, dễ dùng nên nhiều tiểu thương thường xuyên sử dụng kênh thanh toán này. Chị Phạm Thị Hoa ở phố Yết Kiêu hiện có sạp hàng bán quần áo trong chợ Hải Tân. Được nhân viên Viettel hỗ trợ cài đặt từ năm trước, đến nay chị vẫn sử dụng thường xuyên. Mỗi lần khách hàng thanh toán chuyển khoản chị Hoa chỉ cần đưa mã QR cho khách quét là dễ dàng nhận được tiền.
“Lúc đầu chưa quen tôi cũng hơi lúng túng, nhưng sau vài lần sử dụng tôi đã quen. Với ứng dụng này tôi có thể dễ dàng kiểm soát nguồn tiền hàng thu về hay xuất ra khi lấy hàng. Bây giờ nhiều người chuyển sang không dùng tiền mặt, mình cũng phải thay đổi để theo kịp phục vụ khách hàng được tốt hơn”, chị Hoa chia sẻ.
Theo thống kê của Viettel Hải Dương, đơn vị đã vận động được 209 tiểu thương tại 13 chợ trên địa bàn TP Hải Dương cài đặt và sử dụng ứng dụng Viettel Money trong giao dịch hằng ngày.
Nhân viên Điện lực Thanh Miện hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng để thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
... đến đơn vị cung cấp dịch vụ
Dù chỉ có sạp hoa quả ngay cạnh đường Nguyễn Quý Tân (TP Hải Dương) nhưng từ gần 1 năm nay, khi có thể tự tạo mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh, chị Đoàn Thị Huyền đã tự tạo một mã để không phải nhớ số tài khoản. “Giờ nhiều người được trả lương qua tài khoản, nhiều khách nhỡ chưa kịp rút tiền mặt, mình có tài khoản ngân hàng sẽ rất tiện lợi để khách hàng trả tiền. Lượng khách hàng của tôi thanh toán qua tài khoản ngân hàng chiếm tới gần 40%. Bản thân tôi thanh toán với cửa hàng đầu mối cũng chuyển khoản nên nhanh gọn hơn”, chị Huyền nói.
Theo báo cáo từ Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, toàn tỉnh hiện có trên 93% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Để có được tỷ lệ này, Điện lực Hải Dương đã tích cực tuyên truyền cho khách hàng thay đổi thói quen nộp tiền điện qua ngân hàng. Đơn vị còn phối hợp các ngân hàng, tổ chức thu hộ, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại…
Việc nộp tiền nước, điện thoại, dịch vụ internet, dịch vụ truyền hình cũng dần được các nhà cung cấp chuyển đổi hình thức thu phí không dùng tiền mặt. Ngoài ra, hệ thống các cửa hàng tiện ích, siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng đã lắp đặt nhiều máy thanh toán qua thẻ giúp cho người dân có thể thoải mái mua sắm mà không cần dùng tiền mặt. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.800 máy quẹt thẻ.
PV