Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 25/12.
Tham dự hội nghị này có lãnh đạo nhiều bộ, ngành và UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã ban hành gần 3.800 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, hơn 2.600 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và hơn 1.700 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.
Năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 237 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương đã thẩm định hơn 7.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Năm 2023, các hoà giải viên trong toàn quốc đã tiếp nhận trên 90.000 vụ việc, với tỷ lệ hoà giải thành trung bình là 84,7%.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.
Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án số 06, đặc biệt lần đầu tiên tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến tham luận làm rõ những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; đề xuất định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ, nhiệm vụ trong tâm công tác năm 2024 và các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ của ngành tư pháp.
Đánh giá cao những kết quả ngành tư pháp đã đạt được trong năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị ngành tư pháp cần cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp thực hiện, tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải, trong đó lưu ý xây dựng thể chế phải kịp thời, có chất lượng để hạn chế tình trạng sửa luật. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 34/2016/NĐ-CP; sửa đổi, điều chỉnh lại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025; kịp thời, chính xác trong công tác thẩm định các dự thảo, dự án luật trình Chính phủ.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm.
Bộ, ngành tư pháp cũng cần làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, có chế độ phù hợp cho cán bộ làm công tác luật quốc tế bởi đây là lĩnh vực cực kỳ khó và nhạy cảm.
Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ, ngành tư pháp cần có giải pháp để cán bộ trong ngành yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành. Để làm được điều này, trước hết, các đồng chí lãnh đạo phải nêu cao ý thức gương mẫu và tạo được nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ, ngành tư pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực của ngành...