Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật...
Hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng công tác tư pháp
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với các báo cáo; cho rằng, khối lượng công việc của các ngành Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp đều tăng cao, nhưng kết quả thực hiện đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các ngành.
Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý xã hội, quản lý kinh tế được phát hiện, sửa chữa, ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội được nâng cao, nhân dân tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Để công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả hơn, đại biểu Quốc hội đề nghị các báo cáo cần thể hiện nhiều hơn các kiến nghị để hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hợp lý cho các cơ quan tư pháp và chế độ đãi ngộ tương xứng cho cán bộ, công chức trong lĩnh vực tư pháp phù hợp với số lượng, tính chất công việc, địa bàn phát triển.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, những năm qua, báo cáo của hai cơ quan Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát đều nêu khó khăn về biên chế, tài chính chưa bố trí đảm bảo, nhiều áp lực, chưa đảm bảo thực thi nhiệm vụ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đại biểu bày tỏ sự quan tâm về thực trạng biên chế và nhu cầu vị trí, việc làm, bao gồm cả vị trí, việc làm về chức danh tư pháp và vị trí, việc làm về hành chính, công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu số trong toàn ngành, tình trạng cán bộ ngành tư pháp nghỉ việc...
Cho rằng tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) dẫn chứng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ lưu trú... diễn ra ở nhiều địa phương, xuất hiện một số loại ma túy núp bóng dưới dạng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm, đã gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh, thiếu niên. Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới.
Đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, đã đạt được những kết quả nhất định, một số đại biểu nhấn mạnh đến công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, tiêu cực ngay trong hoạt động tư pháp, đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm.
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) đề nghị, cần mạnh tay xử lý đối với tình trạng vi phạm pháp luật trong ngành tư pháp, bảo vệ pháp luật, góp phần bảo vệ chế độ, quyền lợi chính đáng của các chủ thể; tăng cường hơn nữa đối với công tác giáo dục đạo đức công vụ.
Gợi mở giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác tư pháp
Cuối phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ, với khối lượng công việc các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nên việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi.
Bộ trưởng đã làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Một là, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan chức năng; tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hai là, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách như báo cáo đã nêu. Ba là, những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có những vấn đề có thể khắc phục được ngay, nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian. Do đó, Chính phủ và Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự, kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân.
Tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải thích về những băn khoăn: vì sao khi chúng ta càng chống, càng đấu tranh quyết liệt với tội phạm, tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội lại càng tăng lên?
Theo Viện trưởng, vấn đề này có nhiều nguyên nhân. “Việc quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời là một trong những giải pháp ngăn chặn tội phạm từ gốc. Các giải pháp mà một số đại biểu Quốc hội đề xuất cũng nêu rõ là phải tăng cường công tác phòng ngừa. Tôi nghĩ rằng, công tác phòng ngừa liên quan đến cả công tác xây dựng pháp luật, cả việc hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải tham gia đồng bộ… Có như vậy, công tác đấu tranh của chúng ta sẽ hiệu quả hơn”, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng ý với các báo cáo, đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, khẳng định những kết quả đã đạt được trong năm 2023. Qua đó, tình hình vi phạm pháp luật được kiềm chế, công lý được đảm bảo, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, cuộc sống thanh bình của nhân dân được giữ gìn.
Các ý kiến đã chỉ ra một số tồn tại, chia sẻ những khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề xuất gợi mở những giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhiều đại biểu đề cập đến những khó khăn như sự thiếu hụt về kinh phí và biên chế, chế độ động viên, đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp để tăng cường các nguồn lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Về tổng kết thực tiễn xét xử, đối với đề nghị sửa một số điều luật về hình sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án sẽ có tổng kết và báo cáo Quốc hội theo đúng thẩm quyền. Về thời điểm xác định thiệt hại, khi xây dựng Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 2015 trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, Tòa án đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan, thực hiện quy trình như quy trình làm luật. Nghị quyết này đã nêu rõ thời điểm áp dụng pháp luật.
Làm rõ thêm một số nội dung trọng tâm mà các đại biểu quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về xây dựng hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành luật; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng tiêu cực.
Tuy nhiên, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế vẫn còn hạn chế, vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản chi tiết, vẫn còn có sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ cùng với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng; đồng thời triển khai tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhằm phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngay trong các cơ quan chức năng.
Theo báo Tin tức