Kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần năm nay kéo dài 9 ngày. Có thời gian rộng dài, nhiều người đã, đang và sẽ còn tham dự những cuộc liên hoan tiệc tùng với tần suất dày đặc.
Theo tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, từ ngày 28 đến mùng 1 Tết, đơn vị đã khám và điều trị cho nhiều người, trong đó có 233 người bị chấn thương phải nhập viện. Trong số này có một số trường hợp đã sử dụng rượu bia quá đà, không làm chủ được phương tiện và gặp tai nạn giao thông.
Những vụ tai nạn xảy ra liên quan đến rượu bia dịp Tết rất thương tâm. Trong khi người người, nhà nhà đang nô nức vui Tết, đón xuân thì ở những gia đình có người không may gặp tai nạn như trên lại u ám một màu đau thương. Giá như các đấng mày râu đừng quá ham vui và biết điểm dừng. Giá như họ ý thức được rằng phía sau mỗi cuộc liên hoan còn có cha mẹ, vợ con đang chờ đợi thì tai hoạ có lẽ đã không ập đến.
Trước, trong Tết Nguyên đán là dịp người dân tham gia rất nhiều cuộc giao lưu, liên hoan với cơ quan, công ty, gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng... Việc sử dụng rượu bia trong những cuộc liên hoan này là bình thường, song không phải ai cũng có ý thức uống ít để kiểm soát bản thân. Ngược lại nhiều người uống rượu đến mức say xỉn. Khi say lại cố lái xe, mất kiểm soát dẫn tới gây tai nạn. Mặc dù mức xử phạt vi phạm đối với lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép rất nặng nhưng nhiều người vẫn chủ quan, ý thức kém cho rằng “không phải lúc nào đi đường cũng gặp cảnh sát giao thông” hoặc “Tết thì chẳng cảnh sát giao thông nào ra đường tuần tra”.
Thực tế cho thấy số người chết vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia dịp Tết chiếm tỷ lệ lớn. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy có tới 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết liên quan đến rượu bia. Trong số 100 nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, độ tuổi 15 - 29 chiếm tới gần 60%; nam giới chiếm trên 90%. Kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông cho thấy có tới hơn 36% số người đi xe máy và gần 67% số người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại.
Việc xử lý người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông trong dịp này, nhất là tại các vùng nông thôn cần được các lực lượng chức năng làm quyết liệt và kết hợp nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Biện pháp quan trọng hơn cả là các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết quy định pháp luật xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện thông qua nhiều kênh, bao gồm cả loa truyền thanh ở các thôn, khu dân cư.
Người dân tham dự tiệc tùng liên hoan ngày Tết cần sử dụng rượu bia hợp lý, xin đừng biến mình thành “ma men” để giữ an toàn cho bản thân, đón một mùa xuân mới hạnh phúc, đầm ấm, an vui bên gia đình.
TIẾN MẠNH