Nếu bạn yêu gia đình, bạn là một người mạnh mẽ và thành đạt, nếu bạn làm cho gia đình hạnh phúc, bạn là một người ấm áp và hạnh phúc.
Gia đình hạnh phúc là điều mà bất kỳ ai cũng hướng đến, nhưng để có được điều đó, bạn cần phải áp dụng đúng bí quyết.
Cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái là những người thân thiết nhất trong cuộc đời của mỗi người. Cho dù thế giới có thay đổi thế nào, vận hành ra sao, thì những mối quan hệ này cũng sẽ không thay đổi, từng thành viên này cũng sẽ không dễ dàng rời bỏ bạn. Một khi sinh ra là những người ruột thịt, thì sẽ không thể tách rời nhau trong cuộc đời này.
Trong cuộc sống, duy trì hòa thuận gia đình, điều hành mọi hoạt động của một gia đình, và duy trì các mối quan hệ trong gia đình không chỉ là điều cần phải học hỏi, mà là chìa khóa để được hạnh phúc, bình yên.
Có một triết lý kinh điển để có một gia đình hạnh phúc, mà không phải ai cũng có thể biết để vận dụng sớm. Nhiều người, chờ đến tuổi trung niên mới hiểu rằng, nghèo không trách cha mẹ, hiếu thảo không so bì với anh em, khổ đau không trách vợ, nóng giận không đổ lên đầu con cái chính là 4 điều thật sự quan trọng trong ứng xử gia đình.
Nghèo không trách cha: Đạo làm con cần biết
Người xưa có câu nói nổi tiếng đại ý rằng, con không chê cha khó, chó không chê chủ nghèo. Sinh ra trong gia đình nghèo khó thì đó không phải lỗi của cha mẹ.
Cha mẹ, người đã cho ta cuộc sống, cũng là người muốn cho ta một tương lai tươi sáng nhất, đầy đủ nhất, nhưng đây không phải là điều cha mẹ muốn là có thể làm được. Nếu cha mẹ nghèo khó, không có tiền để cho bạn, thì bạn cũng không nên trách móc, càng không nên coi thường.
Bạn muốn có được điều gì, tài sản gì, hãy tự mình nỗ lực và cố gắng. Đừng hễ có việc, hễ cần tiền là lại đòi hỏi, rồi trách cha mẹ không tạo cho mình một nền tảng tốt, một xuất phát điểm đầy đủ vật chất.
Là cha mẹ, ai cũng đều muốn cho con mình những gì tốt nhất có thể, nhưng đó phải là trong khả năng của họ.
Hãy đối xử tốt với cha mẹ dù học giàu hay nghèo, họ đã vì bạn mà dành cả đời người để nỗ lực rồi. Do đó, hãy sớm cố gắng làm hết sức mình để báo hiếu thay vì trách cứ.
Hiếu không bì anh: Duy trì quan hệ anh em khăng khít
Người xưa có đạo lý sống chuẩn mực trong mối quan hệ anh em chính là sự không so sánh, tị nạnh. Ngay cả việc hiếu thảo với bố mẹ cũng cần đặt lên hàng đầu.
Đạo hiếu là việc nên làm, việc thực hiện lòng hiếu thảo của mình không liên quan gì đến người khác, bạn hãy làm hết lòng hiếu thảo của mình và làm hết sức mình với cha mẹ, ông bà. Đừng so sánh bản thân với anh chị em trong nhà, không nên cảm thấy mình thiệt thòi vì anh em bất hiếu, cảm thấy thiếu bình đẳng khi thể hiện đạo hiếu với cha mẹ.
Báo hiếu với cha mẹ hoàn toàn là tùy ý của mỗi người, nếu đem chuyện này ra so sánh với anh chị em, thì lòng hiếu thảo cũng trở nên vô nghĩa.
Phận làm con, hiếu thảo là một nghĩa vụ. Đừng so sánh mình với anh chị em khác, chăm sóc cha mẹ và báo đáp họ là điều bạn nên làm, hãy cứ là chính mình và làm tốt việc của mình.
Anh chị em cư xử như thế nào là tùy thuộc vào điều kiện và thành ý của họ, đừng so sánh, để cha mẹ cảm thấy tổn thương, hãy hiếu thảo hơn và đừng để lại điều gì hối tiếc khi cha mẹ về già và rời khỏi cuộc đời.
Khổ không đổ cho vợ - Đạo làm chồng mẫu mực
Những người phụ nữ sẵn sàng sát cánh vượt qua mọi khó khăn gian khổ để cùng bạn sống hết mình đều là những người phụ nữ có tình cảm sâu đậm với bạn. Do đó, bạn không được trút mọi nỗi vất vả, khổ cực, xấu hổ, thất vọng của cuộc đời mình lên người phụ nữ.
Trong cuộc sống hôn nhân dài lâu, không có những ngày thực sự khó khăn, mà tùy thuộc vào cách bạn hiểu nó và cách bạn sống. Thái độ phàn nàn sẽ chỉ sinh ra oán hận, tranh chấp sẽ chỉ làm cho cuộc sống trở nên khó khăn, còn sự lạc quan và bao dung mới có thể đưa đến một cuộc sống tốt đẹp.
Để cùng bạn đời đồng hành, nâng đỡ nhau, sống tốt đời đẹp đạo thì không nên cậy miệng mà nên cậy tay, trách nhiệm lớn nhất của người đàn ông là không được trách vợ, không được đổ lỗi cho vợ, và càng không trách vợ sao đời mình khổ.
Giận không mắng con: Giữ quan hệ cha con gần gũi, ấm áp
Nhiều người khi tức giận chuyện ở đẩu đâu cũng sẽ trút hết lên con cái. Sự gần gũi, thân thiết của trẻ với cha mẹ là một bản năng bẩm sinh, dù bạn có xua đuổi hay cáu giận lần này thì lần sau trẻ vẫn sẽ chủ động chạy đến với bạn một cách hồn nhiên.
Do đó, tức giận rồi trút lên đầu trẻ là biểu hiện kém cỏi nhất, một gia đình như vậy lâu dần sẽ trở thành là ngôi nhà lạnh nhạt, thiếu gần gũi, cô đơn. Người lớn không kiềm chế được cảm xúc, gia đình mất hòa khí, con cái và cha mẹ sẽ có khoảng cách không thể lấp đầy.
Đừng trút giận lên đầu con cái của bạn, vì như vậy sẽ khiến tình yêu của chúng dành cho bạn biến thành nỗi sợ hãi và sự xa lánh.
Kiềm chế tính tình nóng nảy, tu dưỡng tính tình tốt, gia đình sẽ hưng vượng, vận may sẽ theo đó mà đến, hạnh phúc sẽ từ đó mà phát triển bền vững.
Gia đình là món quà của Thượng đế và là định mệnh, tình cảm gia đình là nguồn gốc của mọi hơi ấm và động lực sống của mỗi chúng ta.
Nếu bạn yêu gia đình, bạn là một người mạnh mẽ và thành đạt, nếu bạn làm cho gia đình hạnh phúc, bạn là một người ấm áp và hạnh phúc.
Theo VOV