Nghệ sỹ làm từ thiện: Cần chuyên nghiệp hơn trong khâu quản lý

06/06/2021 09:39

Bên cạnh trách nhiệm của người nổi tiếng thì nghệ sỹ cũng phải đảm bảo trách nhiệm của công dân, chấp hành pháp luật, cần nghiêm túc xem xét lại hoạt động từ thiện, tránh phụ lòng tin của mọi người.

Hai nam ca sỹ Tuấn Hưng và Tùng Dương lần đầu tiên song ca cùng nhau để quyên góp tiền ủng hộ hai địa phương chống dịch

Dư luận đang ồn ào về việc nghệ sỹ ưu tú Hoài Linh chậm trễ chuyển tiền cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm ngoái. Sau một thời gian im lặng trước làn sóng chỉ trích, Hoài Linh đã giải ngân hết 15 tỷ đồng trong vòng 6 ngày.

Đây không phải lần đầu tiên nghệ sỹ chịu “điều tiếng” khi làm từ thiện. Công chúng đã nhiều lần đặt ra câu hỏi về tính minh bạch và sự chuyên nghiệp trong hoạt động từ thiện của người nổi tiếng...

Xuất phát từ trách nhiệm với cộng đồng

Từ thiện vốn là nghĩa cử tốt đẹp của con người trong đời sống xã hội văn minh. Hoạt động từ thiện thường có hai hình thức chính. Một là dùng tài sản cá nhân đóng góp cho cộng đồng và dùng uy tín cá nhân/tổ chức huy động tiền và hiện vật từ những cá nhân/tổ chức khác.

Giới nghệ sỹ hoạt động từ thiện theo cả 2 hình thức này. Song song với việc mang tài sản của mình ủng hộ cộng đồng, thì họ thường kết hợp kêu gọi những người khác cùng chung tay. Hành động này xuất phát từ mục đích tốt đẹp, để việc thiện được lan tỏa và có thêm khả năng tài chính để giúp được nhiều người hơn tuy nhiên chính ở hình thức này, nghệ sỹ thường hay vướng phải lùm xùm và chỉ trích.


Ca sỹ Tùng Dương hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch COVID-19

Có thể nhận thấy rằng, hoạt động từ thiện không hề đơn giản, đặc biệt là khi số tiền mà nghệ sỹ gây quỹ trở nên quá lớn, đơn cử như MC Phan Anh từng quyên góp được 24 tỷ đồng năm 2016, ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi được 100 tỷ đồng năm 2020…

Các quỹ từ thiện chuyên nghiệp luôn có một hệ thống kiểm soát tài chính chặt chẽ, bài bản để điều hành mô hình hoạt động bền vững, hợp pháp. Trái lại, khi cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp thường thiếu sự chuẩn bị cần thiết. Họ chỉ đơn giản là muốn cứu trợ những nạn nhân thiên tai, dịch bệnh càng sớm càng tốt. Đôi khi họ thiếu kết nối với lãnh đạo địa phương, thiếu kỹ năng quản trị dòng tiền.

Ca sỹ Thủy Tiên từng bộc bạch: "Tôi không phải là một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp có ban bệ trả lương nhân viên để làm việc, mà ở đây tôi chỉ là một cá nhân có tấm lòng mong muốn giúp đỡ đồng bào mình lúc thiên tai hoạn nạn xảy ra. Tôi biết mình còn nhiều thiếu sót, nhưng trải qua rất nhiều khó khăn tôi đã hoàn thành xong trách nhiệm của mọi người giao phó, tiền đã được trao đi minh bạch công khai”.

Kết thúc để lại nhiều nuối tiếc

Với những khán giả, họ không khỏi cảm thấy tiếc nuối khi nghệ sỹ mà mình yêu mến vướng phải những nghi vấn về sự trong sạch.

Khi nghệ sỹ Hoài Linh vội vã giải ngân hơn 15 tỷ đồng cho nạn nhân lũ lụt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, dư luận vẫn cảm thấy dường như đó không phải cái kết đẹp cho một câu chuyện xuất phát từ cái tâm thiện lành.

Trước đó, anh trần tình rằng do dịch bệnh bùng phát nên không thể trao quà từ thiện cho người dân miền Trung, nhưng bây giờ, khi nhiều tỉnh thành cả nước đang bùng phát làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 thì anh lại lên đường. Dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải anh làm cho xong, cho hết trách nhiệm. Hơn nữa, những người gửi tiền cho nghệ sỹ Hoài Linh hẳn muốn cứu trợ người dân bị lũ lụt vào thời điểm cần kíp nhất, chứ không phải là để đến sau nửa năm tiền mới được đến tay họ...


Ca sỹ Thái Thùy Linh (phải) và các tình nguyện viên trong chương trình "Vitamin tháng 5" 

Trước sự việc này, nhiều nghệ sỹ cho rằng Hoài Linh sai ở chỗ không thông báo gì về kế hoạch giải ngân cũng không đưa ra được bằng chứng về việc đã liên hệ, trao đổi với địa phương để chứng minh mình đang triển khai công việc. Tuy nhiên, họ hy vọng dư luận không nên vùi dập nghệ sỹ, bởi sẽ khiến những người khác không dám tiếp tục làm việc tốt.

Một nữ ca sỹ tâm sự rằng nghệ sỹ nhiều khi "tâm hồn treo ngược cành cây", nếu đòi hỏi vừa phải hát hay, xinh đẹp, hiểu biết, nhân từ, nhưng lại phải giỏi quản lý, khéo làm truyền thông, biết nghiệp vụ kế toán, rành pháp luật... thì đúng là làm khó cho nghệ sỹ.

Trường hợp của Hoài Linh là bài học sâu sắc cho giới nghệ sỹ. Là những người được công chúng yêu mến, họ phải có trách nhiệm với sự gửi gắm của công chúng, sử dụng tiền từ thiện sao cho chính đáng.

Nếu không có sự nghiêm túc, quyết tâm và hành động cụ thể trong việc giải ngân, họ sẽ tự làm xấu hình ảnh của chính mình, dù có cố gắng sửa chữa thế nào thì ấn tượng tốt đẹp ban đầu cũng sẽ không còn.

Cần chấn chỉnh khâu quản lý

Thực tế rất nhiều nghệ sỹ bền bỉ làm từ thiện mà không phải lúc nào họ cũng xuất hiện trên báo chí để nói về điều đó. Ngày hôm nay, công chúng, truyền thông có thể ca ngợi về nghĩa cử cao đẹp của họ, nhưng là con người thì ắt sẽ có lúc mắc sai lầm, khó có thể nói trước liệu ngày mai, họ có gặp điều tiếng hay chê trách gì khi làm thiện nguyện hay không.

Huy động được đến 100 tỷ nhưng Thủy Tiên từng công bố thu chi viết tay trên một tờ giấy A4. Nhiều nghệ sỹ khác có thói quen đăng một dòng trạng thái trên Facebook để thông báo về hoạt động từ thiện, dùng tài khoản cá nhân của mình để nhận tiền từ thiện. Họ nghĩ đơn giản rằng mình đang làm việc tốt thì mọi người sẽ ủng hộ và tin tưởng, họ không lường hết được sự phức tạp của vấn đề cũng như những số tiền liên tục đổ về tài khoản của mình.

Họ chỉ ngưng “hồn nhiên” khi sự đã rồi. Sau khi dư luận dậy sóng và nhận về đủ điều tiếng không hay thì MC Phan Anh mới lập hẳn một website công bố thu chi, cũng như nghệ sỹ Hoài Linh bị chỉ trích thì mới giải ngân tiền từ thiện. Đã đến lúc, nghệ sỹ cần chuyên nghiệp và nghiêm túc hơn khi làm từ thiện, bởi họ không chỉ nhận tiền mà còn nhận cả sự ủy thác, lòng tin của mọi người. Việc làm từ thiện cũng ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự và uy tín của họ.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc, cho rằng nghệ sỹ thường rất nhiệt huyết trong việc làm thiện nguyện nhưng lại kém trong khâu quản lý.

Anh thừa nhận rằng nghệ sỹ không giỏi quản lý tiền, nhất là khi số tiền trở nên quá lớn. Dù xuất phát từ cái tâm tốt đẹp thì họ cũng khó tránh khỏi tâm lý cảm tính khi điều phối dòng tiền.

“Người Việt luôn có tinh thần tương thân tương ái, nghệ sỹ, doanh nghiệp hay những công dân chủ động làm từ thiện là chuyện rất bình thường. Theo tôi, vẫn nên khuyến khích nghệ sỹ bởi sức ảnh hưởng của họ giúp lan tỏa các hoạt động thiện nguyện”, anh nói.

Ngoài ra, người dân cũng có thể cân nhắc góp tiền vào các quỹ của Nhà nước, các tổ chức đã được cấp phép để đảm bảo việc thu chi được minh bạch.

Tiến sỹ, luật sư Lê Ngọc Khánh, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay hiện nay nhà nước khó quản lý dòng tiền do các cá nhân kêu gọi quyên góp bởi đó là quan hệ dân sự, không vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp người thụ hưởng hết nhu cầu thụ hưởng chẳng hạn người bệnh đã chết, nạn nhân lũ lụt đã được khắc phục khó khăn thì quỹ có thể được sử dụng vào mục đích tương tự, trong quá trình chi tiêu phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Dẫn chứng trường hợp ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi được 100 tỷ đồng ủng hộ người dân miền Trung bị lũ lụt, luật sư cho hay ở đây, người dân tự nguyện gửi tiền ủng hộ, đồng bào miền Trung nhận tiền, ca sỹ Thủy Tiên chỉ là trung gian nên không vi phạm Nghị định 64 của Chính phủ quy định “cá nhân không được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Tuy nhiên, ngay trong Nghị định 64 lại có điều khoản: “Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.

Luật sư Khánh phân tích rằng ngay trong một Nghị định cũng có những điểm không thống nhất. Do đó, ông cho rằng cần có các quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Ngoài ra, cần sự quản lý, đồng hành của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, phát hiện những hành vi sai phạm để điều chỉnh kịp thời.

“Nếu những người nổi tiếng đứng ra vận động quyên góp mà sử dụng số tiền đó sai mục đích thì cũng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ”, ông nói.


Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cũng lên đường đến Bắc Giang, Bắc Ninh để ủng hộ người dân

Luật sư Lê Ngọc Khánh nói thêm rằng người nổi tiếng, các nhà hảo tâm nên làm thiện nguyện bằng cách thành lập quỹ từ thiện theo Nghị định 93/2019/NĐ-CP để hoạt động đúng pháp luật, minh bạch, rõ ràng và được Nhà nước hỗ trợ.

Nghệ sỹ cũng là công dân, phải chấp hành pháp luật, phải làm từ thiện đúng cách, không vi phạm hay làm ảnh hưởng tới chính sách chung. Việc làm từ thiện ở miền Trung khi bị lũ lụt hay vào các vùng dịch đều phải chấp hành khuyến cáo của cơ quan chức năng tránh gây nguy hiểm cho bản thân và gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

Song song với việc kêu gọi các cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những quy định cụ thể hơn đối với hoạt động thiện nguyện, có như vậy mới không ai có thể trục lợi từ lòng tốt của người khác và cũng không một nghệ sỹ nào dám mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sỹ làm từ thiện: Cần chuyên nghiệp hơn trong khâu quản lý