Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Châu Xá, xã Duy Tân (Kinh Môn), Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng là một trong số ít nghệ sĩ còn giữ được phong độ diễn xuất và đam mê với nghề...
Nghệ sĩ Trần Nhượng (bên trái) trong vở “Dưới ánh đèn”
Trưởng thành từ Đoàn ca múa kịch Hải Hưng, từng có những vai diễn “đóng đinh” trong lòng khán giả từ những năm 80 của thế kỷ trước, người con đất Hải Dương - Nghệ sĩ Nhân dân Trần Nhượng là một trong số ít nghệ sĩ còn giữ được phong độ diễn xuất và đam mê với nghề. Phóng viên Báo Hải Dương đã có cuộc trò chuyện với ông.
Nghề chọn người
- Ít người biết ông sinh ra ở Hải Dương, thậm chí báo giới còn cho rằng ông là người Hà Nội. Vậy tuổi thơ của ông ở quê nhà Hải Dương thế nào?
- Chắc vì họ thấy tôi thường đóng vai quan chức, hào nhoáng, bóng bẩy nên có ý nghĩ như vậy chứ thực ra tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Châu Xá, xã Duy Tân (Kinh Môn). Khi trưởng thành, tôi công tác tại Đoàn ca múa kịch Hải Hưng 10 năm rồi mới chuyển lên làm việc ở Hà Nội. Tôi sống ở đây đã khá lâu...
Do từ nhỏ sức khỏe yếu nên trong số các anh em trong gia đình, có mình tôi không được đi bộ đội, việc duy nhất là học. Học hết cấp 3, tôi đăng ký thi vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp nhưng cuối cùng “học tài thi phận”, tôi không đỗ.
- Đó là cái duyên để ông đến với nghệ thuật?
- Nghĩ lại thì đúng là cái duyên, nghề chọn người. Từ bé, tôi đã được chứng kiến tình cảm của nhân dân với nghệ sĩ, vì trong chiến tranh quê tôi có nhiều đoàn sơ tán về nên Đoàn kịch Quân đội hay Đoàn chèo Quân khu 3 thường xuyên về biểu diễn phục vụ nhân dân. Tôi sớm được xem biểu diễn và thấy rất ấn tượng.
Dân quê tôi còn kết nghĩa với Đoàn chèo Nam Sách, đoàn thường xuyên về biểu diễn. Mỗi lần đoàn về, quê tôi như có hội. Tục là khi đoàn về sẽ mổ lợn chiêu đãi và chia phần cho các hộ dân trong làng. Chứng kiến những tình cảm ấy, tôi rất xúc động ước sau này mình cũng hoạt động nghệ thuật và được yêu mến như vậy.
Khi Đoàn ca múa kịch Hải Hưng về tuyển diễn viên, tôi mừng nhưng không dám ra ứng tuyển. May sao, có bạn tôi đi cùng, cậu ấy đẩy tôi vào, nói với ban tuyển sinh là tôi muốn ứng tuyển. Dù bạn đẩy vào nhưng tôi nhát, lại chạy ra. Nhận thấy tôi có tố chất nên anh trưởng đoàn đã tới thuyết phục tôi biểu diễn thử. Tôi đồng ý hát “Bài ca Trường Sơn” cho mọi người nghe, thấy tôi hát hay họ thuyết phục tôi thi năng khiếu tiết tấu, xử lý tình huống kịch... Lúc ấy, tôi diễn theo bản năng, nghĩ sao diễn vậy, không ngờ nửa tháng sau thì tôi nhận được giấy trúng tuyển vào chung tuyển.
Vòng chung tuyển ở huyện Tứ Kỳ, cách quê tôi khá xa. Lúc ấy đường sá, phương tiện đi lại rất khó khăn. Tôi không có xe, liền nghĩ cách mượn chiếc xe đạp Phượng Hoàng của anh rể để đi thi. Đương nhiên, tôi giấu gia đình vì biết rằng nói ra mọi người sẽ cản. Thế rồi, sau vòng chung tuyển, tôi đỗ vào Đoàn ca múa kịch Hải Hưng.
Nuốt nước mắt để diễn
- Cha mẹ không đồng ý cho ông theo con đường nghệ thuật. Vậy ông đã thuyết phục họ như thế nào?
- Thời điểm đó chỉ có làm kỹ sư, bác sĩ mới là danh giá. Tôi lại là con trai cả nên ông bà cũng kỳ vọng tôi đỗ đạt, học hành tử tế. Thành thử tin tôi đi theo Đoàn ca múa kịch Hải Hưng bị ông bà phản đối kịch liệt. Ông bà cũng cất công tìm hiểu, biết được quy định của đoàn là vào đoàn không được yêu đương và trong 3 năm không được xây dựng gia đình. Thế là hai cụ bắt tôi phải lấy vợ để không được nhận. Lúc ấy, tôi phản đối bằng cách trùm chăn tuyệt thực qua ngày nhưng cuối cùng biết không thể chống lại, tôi lại phải mượn xe của anh rể để lên đoàn báo cáo tình hình. Sau khi nghe sự tình, đoàn phải hội ý, cuối cùng quyết định đồng ý cho tôi vừa công tác, vừa lập gia đình.
- Kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất khi còn công tác ở Đoàn ca múa kịch Hải Hưng?
- Chúng tôi đi diễn ở đâu là "trống dong cờ mở" ở đó, bà con treo khẩu hiệu, băng rôn tưng bừng để đón đoàn. Lúc bấy giờ đoàn Hải Hưng là đoàn tổng hợp có cả kịch, xiếc và ca múa nhạc. Mỗi lần di chuyển, chúng tôi đi rất đông, có 8 xe ô tô, trong đó có 3 xe 29 chỗ chở diễn viên. Đến bất kỳ đâu, chúng tôi đều ăn ở với dân, bà con quý lắm, thậm chí họ còn đăng ký để được đưa diễn viên về nhà ở, ngay cả những buổi diễn bán vé cũng rất đông.
Được nhân dân yêu mến nên đến giờ tôi vẫn không thể quên đêm diễn cho nhân dân huyện Tứ Kỳ vở “Chị Nhàn”. Vở diễn vào buổi tối thì buổi trưa tôi nhận được tin cha hấp hối. Lúc đó, vé đã bán rồi, 1 suất chiếu phục vụ cả 5.000 người, đoàn thì không thể hoãn được. Lãnh đạo đoàn tìm cách đưa tôi về thăm cha. Ngày ấy đi lại khó khăn, từ Tứ Kỳ về quê tôi phải đi qua 2 lần đò, nên về đến nơi cụ đã không biết gì. Tôi sà vào nắm tay cha, nói rằng: “Con đã về đây” thì thấy nước từ khóe mắt ông chảy ra, ông cụ nấc lên rồi đi. Vì buổi diễn không thể hoãn, nên vuốt mắt cho cha xong, tôi nuốt nước mắt vào trong rồi lên đường. Khi diễn, ra sân khấu thì tôi quên hết để nhập vai nhưng cứ đi vào cánh gà lại nhớ đến cha. Đêm diễn ấy dài như cả thế kỷ, diễn xong đoàn lại vội vã đưa tôi về, về đến nhà trời sáng để kịp lo công việc cho cha. Những đau đớn ấy ám ảnh trong tâm trí tôi mà sau này, tôi cũng lấy chi tiết của chính cuộc đời mình để làm vở “Dưới ánh đèn”, nói về những mất mát của người nghệ sĩ.
- Mới nói đời nghệ sĩ như “con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”. Nhìn lại cuộc đời mình, ông có hài lòng không?
- Dù cay đắng nhiều nhưng nếu chọn lại thì tôi vẫn chọn theo nghệ thuật. Đã có người mời tôi là Tổng Giám đốc, ra làm kinh tế nhưng cuối cùng tôi vẫn phải quay về với nghệ thuật. Đến giờ, về hưu 8 năm rồi nhưng tâm nguyện của tôi vẫn là phát triển hoạt động của sân khấu kịch thử nghiệm, còn sức nữa tôi còn muốn khôi phục lại truyền thống của phố Khâm Thiên qua các lối hát cô đầu. Với nghệ thuật thì tôi còn nhiều ý tưởng lắm.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
HUYỀN ANH (thực hiện)
Nghệ sĩ Trần Nhượng công tác tại Đoàn ca múa kịch Hải Hưng từ năm 1972. Năm 1982, ông chuyển công tác lên Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân. Sở hữu ngoại hình bảnh bao, trên sân khấu kịch và phim truyền hình, ông ghi dấu ấn sâu đậm bằng hàng chục vai diễn, nhưng ấn tượng nhất là tuyến nhân vật kiểu quan tham, giàu có, thủ đoạn... Ông được phong tặng nghệ sĩ nhân dân năm 2016. |