Việc tử tế

Nghề của sẻ chia và thấu hiểu

BẢO ANH 25/03/2024 06:00

Công tác xã hội được coi là nghề của sẻ chia và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Ở Hải Dương, những người làm công tác xã hội đang góp phần thực hiện hiệu quả nhiều chính sách an sinh, xã hội.

00:00

img_0453.jpg
Chị Bùi Thị Dinh (bên trái), công chức văn hóa - xã hội xã Tân Tiến (Gia Lộc) thường phải làm thêm công việc của một người làm nghề công tác xã hội

Kiêm nhiệm

Mặc dù công việc của một công chức văn hóa - xã hội rất bận rộn nhưng chị Bùi Thị Dinh ở xã Tân Tiến (Gia Lộc) vẫn thường dành thời gian đến thăm những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để nắm bắt thông tin phục vụ công việc, đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ở xã Tân Tiến chưa có cán bộ chuyên làm công tác xã hội nên hoạt động này đa phần vẫn do cán bộ văn hóa - xã hội và một số đoàn thể phụ trách.

Không chỉ ở Tân Tiến, tại nhiều địa phương của Hải Dương phần lớn hoạt động công tác xã hội do các tổ chức, đoàn thể đảm nhiệm. Vì kiêm nhiệm nên họ làm việc chủ yếu vì trách nhiệm, nhiệt tình, chưa được nhận bất cứ một khoản phụ cấp nào.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo của Hội Liên hiệp phụ nữ xã nhưng chị chưa bao giờ nghĩ lại đang làm một phần việc của nghề công tác xã hội. Chị Hoa cho biết: “Ở nông thôn, người yếu thế và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều. Đặc biệt, có ít người làm được công tác tư vấn các vấn đề liên quan đến tâm lý. Nếu có người làm công tác xã hội chuyên nghiệp ở địa phương sẽ tốt hơn”.

Công tác xã hội là một nghề đặc biệt, giúp giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội, do đó đòi hỏi người làm công việc này ngoài có chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ còn phải có tâm làm nghề, biết thấu hiểu và sẻ chia.

Phát triển nghề công tác xã hội trong cộng đồng giúp thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp những người yếu thế, sớm có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi… Phát triển tốt nghề công tác xã hội cũng là góp phần bảo đảm an sinh, phát triển xã hội công bằng, hài hòa và bền vững.

Quan tâm phát triển

z5273826929999_187dc7d4e4dbb58200c91f20eb6178a1.jpg
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã thành lập được Phòng Công tác xã hội hỗ trợ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh hằng ngày

Xác định tầm quan trọng của công tác xã hội đối với đời sống người dân và phát huy hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, Hải Dương đã sớm ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là cơ sở để các địa phương của tỉnh quan tâm tới công tác xã hội, phát triển mạng lưới cộng tác viên xã hội và hướng tới xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp.

z5273848150403_5a1f50d7a9334d7a957c13d3582bcac1.jpg
Phát triển đội ngũ làm công tác xã hội sẽ hỗ trợ được nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn

Theo Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 của tỉnh thì đến cuối năm 2025, Hải Dương sẽ có khoảng 60% số xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, trong đó có ít nhất 1-2 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội được hưởng mức phụ cấp hằng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định. Ông Nguyễn Văn Suất, Chủ tịch UBND xã Cổ Bì (Bình Giang) cho biết mục tiêu này có thể đem đến nhiều cơ hội cho người yếu thế bởi khi địa phương có cán bộ chuyên làm công tác xã hội sẽ thực hiện được nhiều chương trình trợ giúp, an sinh. Theo ông Suất, hiện nay khi chưa có cán bộ chuyên trách thì cần sớm có thêm phụ cấp cho người làm công tác xã hội kiêm nhiệm để họ nhiệt huyết hơn với công việc này.

Phát triển nghề công tác xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình triển khai các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương trong tỉnh. Những vấn đề nảy sinh trong đời sống như bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, hỗ trợ người già neo đơn, người yếu thế, trẻ mồ côi… sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. Vì vậy việc phát triển nghề công tác xã hội và xây dựng đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội rất cần được triển khai sớm và hiệu quả.

z5273107236687_e6b814a9b9dbfacaf6cec6f7688ee489.jpg
Nghề công tác xã hội ngày càng quan trong và cần được quan tâm phát triển. Trong ảnh: Trẻ khiếm thị được hỗ trợ học nghề và tư vấn tâm lý

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hải Dương hiện có hơn 83.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng; 1.050 người được quản lý, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh; 8.695 hộ nghèo, 10.807 hộ cận nghèo, 373.656 người cao tuổi, 491.692 trẻ em… Đây đều là những người cần được trợ giúp thường xuyên tại các địa phương. Số lượng những người cần trợ giúp lớn nhưng hiện nay Hải Dương mới có khoảng 3.000 người làm ở các ngành có liên quan đến công tác xã hội như lao động, thương binh và xã hội, tư pháp, MTTQ, chữ thập đỏ, phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên… Phần lớn những người này cũng chỉ kiêm nhiệm. Người làm công tác xã hội chuyên nghiệp chưa nhiều.

Theo ông Vũ Trí Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội rộng khắp theo mục tiêu mà tỉnh đề ra để nghề công tác xã hội thực sự phát huy được hiệu quả trong thực hiện chiến lược an sinh xã hội của tỉnh.

Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày công tác xã hội Việt Nam, để tôn vinh giá trị của nghề này, đồng thời ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề của sẻ chia và thấu hiểu