Nghe các bé gái nói

09/07/2023 09:36

Hãy lắng nghe các em nói, hiểu các em cần gì để có sự chăm sóc, bảo vệ và trân trọng đúng giá trị đối với trẻ em gái.


Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức giao lưu về phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu

Ngày Dân số thế giới 11.7 năm nay có chủ đề: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta". Điều này cho thấy trên thực tế, dù phụ nữ và trẻ em gái đã được bảo vệ, được yêu thương rất nhiều song vẫn còn đó những góc khuất cần được giải phóng, để nâng cao hơn nữa tiếng nói, vai trò của họ trong đời sống gia đình và xã  hội. 

Chúng ta thường nói rằng: "Phụ nữ sinh ra để được yêu thương". Vậy thì với trẻ em gái, sự yêu thương ấy càng phải lớn hơn. Bởi các em không chỉ là phụ nữ mà còn là những mầm xanh cần được dung dưỡng vun trồng. Các em có nhiều điểm yếu, dễ bị tổn thương, xâm hại. Nhưng thật đáng buồn vì thời gian qua, ở Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng, chúng ta vẫn thấy nhiều thông tin không hay, thậm chí có nhiều vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và cả tương lai của trẻ em gái.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tại Hải Dương, từ đầu năm 2021 đến ngày 25.6.2023, đã có 38 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em (10 vụ hiếp dâm, 20 vụ giao cấu, 8 vụ dâm ô) được phát hiện, xử lý. Cơ quan chức năng đã khởi tố 38 vụ với 38 bị can. Đối tượng phạm tội đều là nam giới với các thủ đoạn chính là thông qua mối quan hệ quen biết, người thân trong quan hệ gia đình hoặc quan hệ trong cơ sở giáo dục để gặp gỡ, dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục. Nhiều vụ để lại hậu quả nghiêm trọng với trẻ em gái.

Hay cả chục năm nay, Hải Dương vẫn thuộc nhóm những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng trẻ em trai nhiều hơn trẻ em gái cao nhất cả nước. Có thời điểm như năm 2009, Hải Dương đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ này. Thời gian qua, dù tỉnh ta đã triển khai rất nhiều biện pháp để kiềm tỏa, nhưng năm 2022, tỷ lệ này vẫn là 118,5 bé trai/100 bé gái, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này đã được cơ quan chức năng của tỉnh chỉ ra đó là tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" của một bộ phận tầng lớp nhân dân vẫn chưa được xóa bỏ. Không ít gia đình, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên bất chấp quy định của pháp luật về chính sách dân số vẫn sinh con thứ 3 để mong có được con trai "nối dõi tông đường". Nhiều người để có được con trai còn thực hiện các hành vi bị pháp luật cấm là lựa chọn giới tính thai nhi.

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về quyền trẻ em Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Thậm chí Việt Nam còn là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Vì vậy, bảo vệ trẻ em gái không chỉ là trách nhiệm mà nó còn là quy định của luật pháp. Mọi hành vi xâm hại, tổn hại trẻ em nói chung, trẻ em gái nói riêng đều đáng bị lên án và xử lý nghiêm minh. 

Cùng với hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện, sự vào cuộc tích cực, mãnh mẽ của cơ quan chức năng, mỗi người chúng ta không chỉ coi việc bảo vệ trẻ em gái là trách nhiệm mà còn là tình cảm, truyền thống tốt đẹp trong gia đình và xã hội. Hãy lắng nghe các em nói, hiểu các em cần gì để có sự chăm sóc, bảo vệ và trân trọng đúng giá trị con người đối với trẻ em gái. Từ đó gạt bỏ suy nghĩ "trọng nam khinh nữ" trong tất cả các gia đình, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra đối với gia đình và xã hội. Nhà trường và gia đình cần đẩy mạnh phối hợp để trang bị cho các em gái những kỹ năng cơ bản bảo vệ bản thân, tránh khỏi sự xâm hại...

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghe các bé gái nói