Liên tiếp trong những ngày gần đây, đã xảy ra nhiều vụ nhà báo bị đe dọa, cản trở khi tác nghiệp.
Đơn cử, sáng 29.5, trong khi tìm hiểu thực tế, xác minh phản ánh của người dân địa phương về việc nhiều diện tích rừng ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị phá, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cùng một số đồng nghiệp đã bị một nhóm người của Tập đoàn Đèo Cả chặn đường, lôi kéo, không cho di chuyển. Sự việc chỉ được giải quyết khi các phóng viên được sự hỗ trợ của Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ.
Trước đó, ngày 24.5, sự việc tương tự đã xảy ra khi nhà báo Nguyễn Văn Tuấn, phụ trách văn phòng đại diện của báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên đi triển khai tuyến bài liên quan đến việc mua bán đất nông nghiệp trái phép xảy ra trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bị một số đối tượng gọi điện đe dọa, uy hiếp tính mạng của anh và gia đình.
Trước sự việc trên, ngày 29/5, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn số 36/CV/HNBVN đề nghị UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc, có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhà báo Nguyễn Văn Tuấn; đồng thời xử lý thích đáng các đối tượng vi phạm.
Không thể thống kê hết những vụ việc đe dọa, cản trở, uy hiếp nhà báo khi tác nghiệp xảy ra trong thời gian qua. Tình trạng trên cho thấy, việc cản trở, hành hung nhà báo khi tác nghiệp vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt khi nhà báo tiến hành điều tra, phanh phui các vụ việc tiêu cực. Những kẻ liên quan thường bất chấp các quy định của pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi che đậy, bưng bít sự thật.
Với người làm báo, việc đối diện với khó khăn, thử thách, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng là điều không tránh khỏi. Dấn thân vào thực tế, đeo bám, phanh phui các vụ việc tiêu cực trước công luận, song nhiều nhà báo vẫn chưa được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Phổ biến là việc nhà báo bị cản trở trong quá trình tác nghiệp, như bị thu giữ hoặc bị làm hư hỏng phương tiện, bị quấy rối, bị tấn công gây thương tích… Bởi thế, dù ở thời bình hay thời chiến, nghề báo vẫn được xếp vào top 10 trong những nghề nguy hiểm nhất.
Để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo, đồng thời cảnh báo, răn đe các đối tượng cản trở, uy hiếp nhà báo khi tác nghiệp, hệ thống chế tài đã được xây dựng khá hoàn chỉnh với nhiều biện pháp, bao gồm cả hình sự, dân sự và xử lý hành chính. Cụ thể, Luật Báo chí quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Tuy nhiên, trên thực tế, những vụ hành hung, đe dọa nhà báo trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng cả về mức độ, tần suất, hình thức ngày càng tinh vi, với nhiều chiêu trò nhằm gây áp lực và “khủng bố” tinh thần nhà báo. Trong khi đó, nhiều vụ hành hung nhà báo không được xử lý tới cùng (thường chỉ xử lý hành chính), khiến tình trạng “tấn công” nhà báo không những không được ngăn chặn, mà ngày càng táo tợn, manh động hơn. Nhiều nhà báo và gia đình họ vì bị đe dọa, xúc phạm đã phải sống, làm việc trong sự thấp thỏm, lo âu.
Câu hỏi đặt ra, phải chăng xuất phát từ sự thờ ơ, sự vào cuộc một cách đối phó, thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc tiêu cực khiến những kẻ vi phạm coi thường dư luận, bất chấp pháp luật?
Hơn lúc nào hết, dù trong hoàn cảnh nào, nhà báo rất cần một điểm tựa vững vàng để họ yên tâm tác nghiệp. Nếu việc hành hung, gây áp lực, thậm chí đe dọa, vu khống nhà báo không được ngăn chặn kịp thời, triệt để, sẽ làm tổn thương tinh thần không chỉ với cá nhân nhà báo, mà với cả gia đình và người thân của họ.
Cần khẳng định, báo chí là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vì một cuộc sống tốt đẹp và sự bình yên của xã hội. Nếu không có giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp, sẽ làm giảm nhiệt huyết của đội ngũ những người làm báo và cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, mỗi nhà báo cũng phải sẵn sàng tự vệ trước những rủi ro có thể xảy ra khi tác nghiệp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ ở những địa bàn, vụ việc “nóng”, nhạy cảm. Với những vụ việc nổi cộm, nhà báo cần chủ động kế hoạch tác nghiệp, có sự chỉ đạo sát sao từ cơ quan chủ quản. Khi nhận thấy dấu hiệu hoặc nguy cơ bị đe dọa, cần thông báo với chính quyền địa phương và cơ quan công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Theo Báo Tin tức