Dành cho người yêu thơ

“Ngày mới” - Bản hòa ca về tình yêu cuộc sống

NAM HỒNG 08/08/2024 14:01

Bài thơ “Ngày mới” đặc biệt khi nó được viết bởi một tác giả có số phận kém may mắn - Nguyễn Bích Lan. Chị là người khuyết tật nhưng đã vượt lên số phận.

Tôi ra ngoài ngõ
Đón ngày của tôi
Thấy con chim nhỏ
Đánh rơi gió đồi

Tôi sang chợ gạo
Đong một mùa no
Thấy người ta gói
Thật thà đem cho

Tôi ra đồng xanh
Hái sương trên búp
Thấy nhựa đời tươi
Xôn xao mừng giúp

Tình tang tôi hát
Ru ngày của tôi
Tôi gánh tôi vác
Xênh xang lộc trời

NGUYỄN BÍCH LAN

Người ta biết đến cái tên Nguyễn Bích Lan với vai trò dịch giả khi chị có hàng trăm tác phẩm dịch nổi tiếng. Năm 2010, chị vinh dự nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột. Đáng nói, thành quả từ dịch thuật đó hoàn toàn là do chị mày mò tự học. Đã thế chị lại đa tài khi còn viết truyện, làm thơ. Những tác phẩm của chị có một đặc điểm chung là chứa chan tình yêu và niềm tin vào cuộc sống. Và “Ngày mới” là một tác phẩm như thế.

"Ngày mới" được in trong tập “Sống trong chờ đợi” là tập truyện và thơ đầu tay của Bích Lan. Vốn dĩ ngay từ cái tên nó đã gợi cho ta về bản hòa ca của âm thanh cuộc sống nhưng âm thanh ấy càng đặc biệt khi ta biết tác giả của nó lại là một người phụ nữ kém may mắn. Ta sẽ phải đặt câu hỏi: Nguồn năng lượng nào để một người kém may mắn lại có được những vần thơ trong trẻo, tràn ngập nhựa sống yêu đời đến thế?

Bích Lan mắc bệnh loạn dưỡng cơ năm 13 tuổi, buộc phải nghỉ học nên khi thấm từng vần thơ của "Ngày mới" thì ta càng cảm phục nghị lực phi thường của chị, càng thêm trân trọng những vần thơ của con người không đầu hàng số phận. Trong bài thơ, không hề hé lộ số phận của người viết, mạch thơ toàn bài đều là năng lượng tích cực, tươi vui. Và tình yêu cuộc sống của nhân vật trữ tình được thể hiện qua không gian nghệ thuật độc đáo. Đó là không gian của ngày mới tràn đầy năng lượng sống. Ngay ở những câu thơ mở đầu mỗi khổ thơ đã diễn tả hành động của chủ thể trữ tình: Tôi ra ngoài ngõ… Tôi sang chợ gạo… Tôi ra đồng xanh… Nó mở ra không gian chuyển động không ngừng của nhân vật ở những không gian quen thuộc, đã phô diễn được hiện thực của cuộc sống tươi đẹp ngoài kia.

Đại từ nhân xưng “tôi” đứng ở vị trí đầu ba khổ thơ và được lặp lại sáu lần trong bài thơ cho thấy nhân vật trữ tình chủ động đón nhận những thanh âm của cuộc đời trong niềm vui hân hoan và trong niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống: Tôi ra ngoài ngõ/ Đón ngày của tôi… Tôi sang chợ gạo/ Đong một mùa no… Tôi ra đồng xanh/ Hái sương trên búp… Tôi gánh tôi vác/ Xênh xang lộc trời… Hai câu thơ trong mỗi khổ được tác giả khéo léo vẽ ra như một sự đối xứng. Như thể tác giả sắp đặt cuộc sống của mình một cách trôi chảy chứ không phải bị cuộc sống đẩy xô. Nó khác với tâm thế của những người kém may mắn hay bị động trước sóng gió cuộc đời.

Nhân vật trữ tình liên tục bộc lộ tình yêu của mình dành cho cuộc sống này như thể cô đang muốn sống nhanh, sống gấp với một nguồn năng lượng vô biên: Thấy con chim nhỏ/ Đánh rơi gió đồi… Thấy người ta gói/ Thật thà đem cho. Để rồi tình yêu cuộc sống ấy khiến bài thơ ngân lên những giai điệu đẹp: Tình tang tôi hát/ Ru ngày của tôi. Với thi sĩ, dường như mỗi ngày mới là một bản hòa ca mà mỗi chúng ta hãy biết tận hưởng theo cách riêng của mình. Để rồi hai câu thơ cuối khép lại nhưng mở ra cái nhìn tích cực của nhà thơ: Tôi gánh tôi vác/ Xênh xang lộc trời. Dù mang số phận kém may mắn đó, nhưng tác giả lại không hề nghĩ đến phận kém may mắn của mình. Mà nghĩ, mỗi ngày được thức dậy, được chạm, được lắng nghe những âm thanh của cuộc sống này đã là "lộc trời" ban. Cô đón nhận đặc ân ấy không mảy may có sự luyến tiếc, hay trách móc. Vì thế nên cách mà nhân vật trữ tình đón nhận cuộc sống ấy, bất chợt khiến mỗi người trong chúng ta phải tự soi, tự sửa lại mình.

Cái hay của "Ngày mới" là Bích Lan khéo léo chọn cách thể hiện với hình thức nghệ thuật độc đáo: Thể thơ bốn chữ có nhịp điệu, nhạc điệu hồn nhiên và trong trẻo khiến bài thơ mang âm hưởng của một bài đồng dao. Hơn nữa, yếu tố tự sự và trữ tình kết hợp nhuần nhuyễn tạo sức hấp dẫn cho bài thơ, nó mang lại những dư âm cứ đọng mãi trong lòng người đọc.

Có thể thấy thơ Nguyễn Bích Lan mộc mạc, giản dị nhưng cái tình được cất lên từ đáy lòng chị, từ tâm hồn của một người yêu đời tha thiết - mà như chính Nhà văn Dạ Ngân đã nhận xét: "Một con người phi thường với ý nghĩa đẹp nhất của từ này xét về hoàn cảnh, nghị lực và sự cống hiến”. Bài thơ “Ngày mới” đã gửi tới người đọc thông điệp về tình yêu cuộc sống, giúp ta biết yêu, biết trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời, có thêm năng lượng sống tích cực mỗi ngày đúng như lời câu thơ: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho ta thêm ngày nữa để yêu thương.

NAM HỒNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Ngày mới” - Bản hòa ca về tình yêu cuộc sống