Bài thơ "Tiếng gió Hàng Dương" là tiếng lòng tri ân, niềm cảm phục trước những anh linh đã “hóa thân vào đất mẹ” mang lại cuộc sống ấm no và bình yên cho Tổ quốc.
TIẾNG GIÓ HÀNG DƯƠNG
Những ngôi mộ…
Không hàng
Không lối
Bao ngôi mộ…
Không tên
Không tuổi
Hương cắm liêu xiêu
Lối cỏ ngoằn ngoèo…
Trong khói nhang hư ảo giữa chiều
Giật mình như ai nói:
Chúng tôi nằm đây không cần hàng lối
Ngã xuống vì quê hương ai chọn chỗ cho mình!
Thẳng hàng được đâu?
Trong tù ngục, xà lim
Chân bị gông xiềng
Phải rướn mình lên chào cờ Tổ quốc
Thẳng hàng được đâu?
Trong mấy mét vuông chuồng cọp
Úp mặt che cho nhau vôi độc dội trên đầu
Chúng hành hình xong
Mấy nhát cuốc nông sâu
Chúng tôi đã hóa thân vào đất mẹ
Trên lối cỏ bạn đi, bạn ơi có thể
Ai đó đang nằm, không mộ chí không tên!
Tôi nhẹ tay vuốt những lá cỏ mềm
Nghe tim mình nhức nhối
Hàng Dương ơi gió ngàn năm vẫn gọi
Ngã xuống vì quê hương ai chọn chỗ cho mình!
NGUYỄN TIẾN SĨ
Khuynh hướng sử thi và cảm hứng bi tráng về đất nước, dân tộc đã trở thành nguồn cảm xúc trong nhiều bài thơ của Nguyễn Tiến Sĩ. Sống trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn nắng gió, một lần về Côn Đảo viếng nghĩa trang Hàng Dương, lắng nghe hướng dẫn viên kể lại bao câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của những người ngã xuống, nhà thơ Nguyễn Tiến Sĩ đã sáng tác Tiếng gió Hàng Dương. Bài thơ là tiếng lòng tri ân, niềm cảm phục trước những anh linh đã “hóa thân vào đất mẹ”, mang lại cuộc sống ấm no và bình yên cho Tổ quốc.
Thể thơ tự do cùng với cách biểu đạt dung dị, chân thành, cảm xúc như òa vỡ đã làm cho thi phẩm có được nét độc đáo riêng về nội dung và nghệ thuật.
Nguyễn Tiến Sĩ được xem là tác giả thơ có nhiều tác phẩm khá ấn tượng bởi lối viết mộc mạc nhưng lại đong đầy cảm xúc. Đề tài thương binh, liệt sĩ luôn được anh chú trọng. Chất sử thi, cảm hứng về đất nước, dân tộc luôn day trở qua nhiều trang thơ Nguyễn Tiến Sĩ, trong đó Tiếng gió Hàng Dương thực sự đã mang lại những cảm xúc đặc biệt.
Trong ba khổ đầu gồm tám dòng thơ, nhà thơ Nguyễn Tiến Sĩ đã miêu tả thật ấn tượng về những nấm mộ vô danh nơi nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo. Đó là những ngôi mộ “không hàng không lối” (theo cái nghĩa như lúc ban đầu họ hy sinh) và “không tên không tuổi”. Nói như Nguyễn Khoa Điềm, đó là những con người “đã sống và chết/ giản dị và bình tâm/ không ai nhớ mặt đặt tên/ nhưng họ đã làm ra Đất nước”.
Trên lối cỏ đến với những ngôi mộ chí vô danh ấy, một thoáng xúc động dâng trào, nhà thơ nhìn khói hương liêu xiêu mà thấy lòng đau nhói. Cấu trúc một số câu thơ lặp lại, nhắc lại, sắc gọn và cô đọng như muốn khắc sâu, tô đậm hơn trong tâm khảm người đọc về những tấm gương bình dị, anh hùng.
Những ngôi mộ…
Không hàng
Không lối
Bao ngôi mộ…
Không tên
Không tuổi
Hương cắm liêu xiêu
Lối cỏ ngoằn ngoèo…
Đến bốn khổ tiếp theo gồm mười hai dòng thơ là sự thấu cảm từ trong cõi tâm linh sâu thẳm của tác giả với những linh hồn liệt sĩ qua cuộc đối thoại giả định. Để lý giải cho sự “không hàng không lối” của những ngôi mộ vô danh, nhà thơ lắng nghe tiếng vọng từ cõi hư vô “khói nhang hư ảo giữa chiều”. Đó cũng chính là cấu tứ, là tư tưởng đi xuyên suốt bài thơ “ngã xuống vì quê hương ai chọn chỗ cho mình!”:
Trong khói nhang hư ảo giữa chiều
Giật mình như ai nói:
Chúng tôi nằm đây không cần hàng lối
Ngã xuống vì quê hương ai chọn chỗ cho mình!
Không chọn được chỗ cho mình nên việc những ngôi mộ “không hàng không lối”, “hương khói liêu xiêu” âu cũng là lẽ thường tình. Từ hiện thực ấy, bằng sự thấu cảm tâm linh sâu sắc, Nguyễn Tiến Sĩ như nghe được tiếng nói giãi bày qua bao linh hồn đã khuất. Sự đọa đày của chế độ xà lim, tù ngục đến khắc nghiệt đã khiến những người ngã xuống chịu biết bao đòn tra gian khổ, sống không bằng chết. Tuy vậy, tấm lòng yêu nước, sự kiên định trước Tổ quốc vẫn không lay chuyển. Họ “rướn mình” chào cờ Tổ quốc khi tay bị trói, chân bị cùm.
Thẳng hàng được đâu?
Trong tù ngục, xà lim
Chân bị gông xiềng
Phải rướn mình lên chào cờ Tổ quốc
Thẳng hàng được đâu?
Trong mấy mét vuông chuồng cọp
Úp mặt che cho nhau vôi độc dội trên đầu
Từ đó, những con người kiên trung đã đi vào lòng đất mẹ bằng những cuộc hành hình man rợ và sự chôn cất sơ sài của kẻ thù. “Mấy nhát cuốc nông sâu” vội vã nên mộ chí không sao ngay hàng thẳng lối được. Chỉ có trái tim và lòng yêu nước của những người ngã xuống kia mãi mãi bất diệt, sắt son cùng Tổ quốc và nhân dân:
Chúng hành hình xong
Mấy nhát cuốc nông sâu
Chúng tôi đã hóa thân vào đất mẹ
Khép lại bài thơ là sáu dòng thơ như lời nhắn gửi với những người đang sống và thái độ biết ơn của tác giả. Lời thơ nhẹ nhàng, giọng thơ thủ thỉ, hành động kính cẩn “nhẹ tay vuốt những lá cỏ mềm” đã góp phần chuyển tải được cảm xúc chân thành của tác giả trước bao anh linh của Tổ quốc:
Trên lối cỏ bạn đi, bạn ơi có thể
Ai đó đang nằm, không mộ chí không tên!
Tôi nhẹ tay vuốt những lá cỏ mềm
Nghe tim mình nhức nhối
Hàng Dương ơi gió ngàn năm vẫn gọi
Ngã xuống vì quê hương ai chọn chỗ cho mình!
Hình tượng những ngọn gió Hàng Dương “ngàn năm vẫn gọi” ở cuối bài thơ đọc lên nghe thật thống thiết và lắng đọng biết bao cảm xúc. Đó là lời đồng vọng tri ân của vạn vật trong vũ trụ, là sự tiếc thương của nhân dân và nhiều thế hệ mai sau trước những người “ngã xuống vì quê hương ai chọn chỗ cho mình!”.
Tiếng gió Hàng Dương là thi phẩm khái quát được những mất mát hy sinh của các thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tác giả không hô hào về lòng yêu nước, không kêu gọi về lòng biết ơn, nhưng qua thái độ ân cần, cử chỉ thiêng liêng và tình cảm tri ân sâu sắc đã đánh động tâm hồn nhiều thế hệ hôm nay và mai sau về lòng biết ơn nguồn cội, biết trân quý giá trị độc lập và cuộc sống bình yên hiện tại của đất nước.
Tiếng gió hàng Dương đã có một ý thơ liền mạch, tạo cấu tứ mới mẻ, góp phần làm cho bài thơ thành công. Tác phẩm khơi gợi được tình cảm yêu nước, sự tri ân sâu nặng đối với thế hệ những người đã ngã xuống hy sinh cho Tổ quốc. Vì vậy, bài học của thế hệ hôm nay là phải có trách nhiệm với đất nước, ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện không ngừng để không phụ công lao bao người đã sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc quyết sinh.
LÊ THÀNH VĂN