Từ 1/7, ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan.
Nội dung này trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hôm 18/1. Theo đó, kể từ 1/7/2024 khi luật này có hiệu lực, các ngân hàng phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe hơn về tỷ lệ sở hữu của cổ đông cũng như việc minh bạch thông tin.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng ban hành từ 2010 (hiện hành), các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành cùng người có liên quan... Các ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có thêm quy định về Luật chứng khoán là công bố thông tin với các cổ đông lớn, nhóm người liên quan nắm từ 5% vốn trở lên. Tuy nhiên, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi vừa thông qua yêu cầu phải công khai họ tên cá nhân, tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan lên website ngân hàng.
Định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, "những người có liên quan" theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng được mở rộng, gồm cả cha mẹ cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con nuôi, con rể; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.
Ngoài ra, ông bà nội, ngoại; cháu nội, ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột, cũng thuộc diện "người có liên quan" theo Luật mới.
Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng được xác định theo quy định nội bộ của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước qua thanh tra, giám sát, cũng được xem là "người có liên quan".
Điểm quan trọng khác trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là việc giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Còn giới hạn tỷ lệ sở hữu với cổ đông cá nhân được giữ như hiện hành, tức 5%.
Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Những quy định mới - giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông hoặc minh bạch thông tin với cổ đông nắm từ 1% vốn - nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp sân sau chi phối hoạt động của ngân hàng.
Trên thực tế, tỷ lệ cá nhân tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi. Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn. Kết quả điều tra tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cho thấy rõ thực trạng này.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, khó có quy định nào xử lý triệt để mà cần phải xử lý tổng thể, trong đó có các nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và các giải pháp khác như kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán có liên quan.
H.A (theo VnE)