Ngân hàng nói lãi suất giảm, doanh nghiệp kêu vẫn cao, lại còn tăng

22/08/2023 20:15

Các ngân hàng quảng cáo lãi vay thấp nhưng doanh nghiệp phản ánh vẫn đi vay với lãi suất lên tới 11,5%/năm, thậm chí cao hơn nửa đầu năm ngoái.

Dòng tiền suy yếu, doanh nghiệp càng cần ngân hàng

Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, tại Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 22.8 tại Hà Nội, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay, trong 30 năm trở lại đây, 2023 là năm bất thường nhất, bởi tổng cầu sụt giảm nhưng rất khó để có thể trả lời câu hỏi khi nào thị trường hồi phục.

“Thời điểm hiện nay, chúng tôi xuất khẩu đi 66 quốc gia, trong đó có 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản. Ngay cả những khách hàng là các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới họ cũng không có câu trả lời khi nào thị trường hồi phục. Họ chỉ nói khi nào tồn kho giảm thì mới hồi phục, trong khi tồn kho hiện nay đang rất nhiều”, ông Việt cho biết.


Các khách mời chia sẻ tại Hội thảo

Tại thị trường trong nước, dù đang là mùa “back to school” (tựu trường) và sắp tới là mùa mua sắm cuối năm nhưng tình hình có vẻ cũng không mấy khả quan. 

“Chúng tôi không biết chờ đợi kiểu gì. Không biết có trụ nổi để nuôi 12.000 lao động với chi phí lương 70 tỷ đồng/tháng hay không”, ông Thân Đức Việt than.

Trong bối cảnh đó, ông Việt cho hay, các doanh nghiệp dệt may nói chung hiện cần nhất là nguồn vốn ngắn hạn để chi trả chi phí nguyên vật liệu, tiền lương cho người lao động và chi phí vận hành doanh nghiệp. Nhu cầu vốn ngắn hạn chiếm trên 80% tổng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong ngành.

Đại diện May 10 chia sẻ, công ty không gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, lãi suất các khoản vay ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng góc độ doanh nghiệp, theo ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Delta, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, cho biết, các doanh nghiệp logistics đều là vừa và nhỏ nên rất cần được ngân hàng tháo gỡ khó khăn.

“Khi khó khăn bủa vây doanh nghiệp, ngân hàng đương nhiên muốn quản trị rủi ro nên siết chặt chuẩn tín dụng, điều đó là bình thường. Với công ty chúng tôi, 19 năm liên tục tăng trưởng dương nhưng đến năm 2023 lần đầu tiên tăng trưởng âm, dẫn đến dòng tiền suy yếu. Đó là lúc chúng tôi cần sự hỗ trợ của ngân hàng nhất. Nhưng khi ngân hàng siết chặt chuẩn tín dụng, các doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp”, ông Nghĩa nói.

"Ngân hàng phải chia sẻ một cách thực chất"

Về phía tổ chức tín dụng, ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB thừa nhận một số doanh nghiệp than lãi suất còn cao.

"Thực tế, trong khoảng 2-3 tháng gần đây, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động rất mạnh. Xu thế này sẽ kéo theo lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm rất nhanh. Thậm chí, những gói tín dụng ACB đang chào mời doanh nghiệp có lãi suất chỉ 7%/năm với vay ngắn hạn và khoảng 8%/năm đối với gói vay trung, dài hạn", ông Long thông tin.

Lãnh đạo nhà băng này khẳng định, nhìn vào mặt bằng chung hiện nay, lãi suất các khoản vay mới thực sự không còn cao. Hệ thống ngân hàng không còn vướng mắc nhiều trong chuyện lưu thông vốn cũng như room tín dụng.

"Vấn đề là doanh nghiệp có nhu cầu vay như thế nào, có đầu ra như thế nào để sử dụng đồng vốn vay”, ông Ngô Tấn Long nói.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng kể, ông có nhận được phản ánh có doanh nghiệp kêu vẫn phải đi vay lên tới 11,5%/năm, trong khi ngân hàng vẫn quảng cáo lãi suất cho vay thấp.

Theo Phó Thống đốc, "giờ là lúc các ngân hàng phải chia sẻ một cách thực chất" và thông tin, dự kiến cuối tuần này hoặc đầu tuần sau, NHNN sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí trong các ngân hàng, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – Sumi Trust (BSL) - đưa ra gợi ý cho doanh nghiệp là có thể tìm đến các công ty tài chính.

Ông Sơn cho biết hiện Việt Nam có 10 công ty cho thuê tài chính, tổng dư nợ đến 31.12.2022 khoảng 31.000 tỷ đồng, tức chưa đầy 1% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Với hơn 700.000 doanh nghiệp trên cả nước, nhưng cũng chỉ có khoảng 5.000 – 7.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính từ các công ty cho thuê tài chính. Trong khi đó, lãi suất cho vay trung và dài hạn tại các công ty cho thuê tài chính chỉ từ 8,5-9,5%/năm.

“Thực tế, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể bán máy móc, thiết bị cho công ty cho thuê tài chính rồi sau đó thuê lại các máy móc, thiết bị này”, ông Sơn nói.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Ngân hàng nói lãi suất giảm, doanh nghiệp kêu vẫn cao, lại còn tăng