Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân nhấn mạnh ngành ngân hàng Hải Dương cần khơi thông dòng vốn mạnh mẽ hơn nữa, thu hẹp khoảng cách giữa huy động và tín dụng.
Sáng 9/1, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân biểu dương, ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của ngành ngân hàng Hải Dương trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của ngành ngân hàng Hải Dương còn một số tồn tại, khó khăn cần khắc phục như tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng còn cao, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu còn gặp khó khăn.
Năm 2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân yêu cầu ngành ngân hàng Hải Dương tiếp tục làm tốt công tác huy động vốn nhàn rỗi; mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vốn tín dụng phục vụ phát triển ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, thúc đẩy, khơi thông mạnh mẽ dòng vốn, giảm dần mức chênh lệch hiện còn cao giữa nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng.
Chấp hành nghiêm túc các cơ chế, chính sách về tín dụng, lãi suất, tỷ giá. Thực hiện có hiệu quả giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt cùng các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân. Duy trì và đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng như kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn...
Dịp này, Vietcombank chi nhánh Hải Dương vinh dự nhận danh hiệu đơn vị hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 xuất sắc nhất toàn hệ thống ngân hàng trong tỉnh, VietinBank chi nhánh Hải Dương xếp thứ nhì, Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương xếp thứ ba.
BIDV chi nhánh Hải Dương, VietinBank chi nhánh Đông Hải Dương vinh dự nhận giấy khen của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh.
Đến ngày 31/12/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh 213.165 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng 152.383 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023. Chênh lệch giữa nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng gần 60.800 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng chiếm 0,59% tổng dư nợ.
Với chương trình tín dụng phục vụ xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 126.110 khách hàng vay vốn, dư nợ 46.030 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2023. Tín dụng hộ nghèo và đối tượng chính sách 5.352 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2023.
Về việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 3, theo số liệu mới nhất, đến ngày 30/11/2024 toàn tỉnh có 6.019 khách hàng vay vốn bị thiệt hại, dư nợ bị thiệt hại 4.674 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 473 khách hàng, dư nợ 49,8 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 1.459 khách hàng, dư nợ 6.920 tỷ đồng; cho vay các khoản tín dụng mới với 679 khách hàng, doanh số cho vay 1.392 tỷ đồng.
Ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, với tổng số lượng 5,6 triệu tài khoản thanh toán. Trong đó 850.000 tài khoản được mở thông qua phương thức định danh điện tử eKYC. Toàn tỉnh có gần 2.000 máy POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán), tăng 171 máy so với cuối năm 2023.
Năm 2025, ngành ngân hàng trong tỉnh phấn đấu huy động vốn tăng trưởng khoảng 10% so với cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 12%, đây cũng là mục tiêu được nêu trong kịch bản tăng trưởng GRDP chi tiết của tỉnh. Tiếp tục kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng chiếm dưới 2% tổng dư nợ.